Đây là cảnh báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trước tình trạng một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có dấu hiệu bị lừa đảo, nguy cơ mất hàng nghìn USD.
Theo thông tin từ VASEP, thời gian qua đã có một vài doanh nghiệp thủy sản bị lừa đảo có nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD với Công ty Echopack, Canada (tên người đại diện: Jason Brown). Các lô hàng xuất khẩu đều được sử dụng thanh toán qua Ngân hàng General Equity (New Zealand), qua hình thức tín dụng thư (L/C) 60 ngày từ ngày Bill of Lading và có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA).
VASEP cho biết, theo thông lệ buôn bán quốc tế, các bên mua và bán thường mở L/C ở một ngân hàng được hai bên thống nhất từ trước; sau đó, doanh nghiệp thủy sản xuất hàng sang, bên mua sẽ đến ngân hàng đóng tiền trước khi được ngân hàng cấp giấy thông quan để lấy hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người mua là Echopack và Ngân hàng General Equity – nơi mở L/C đã cấu kết lấy hàng và không thanh toán tiền hàng với lý do L/C bất hợp lệ.
Tình huống lừa đảo để chiếm đoạt lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có trường hợp bên mua cấu kết với ngân hàng như trên; mà còn có cả trường hợp bên mua cấu kết với nhân viên giao nhận của công ty vận tải để làm giả L/C để lấy hàng. Ví dụ điển hình là Công ty CP Hưng Lâm (An Giang) có mối làm ăn với Công ty Yuletech (Ghana) với hợp đồng 80 container gạo bằng phương thức mở L/C. Bên vận chuyển là Công ty Hanjin Shipping Co., Ltd (Hàn Quốc). Khi lô hàng cập cảng Ghana, một nhân viên của Hanjin ở Ghana cùng với bên mua là Công ty Yuletech đã làm giả giấy tờ để chiếm đoạt 80 container gạo. Tuy nhiên, khi mới lấy được 11 container thì bị hải quan Ghana phát hiện và báo cho Hưng Lâm. Theo Hưng Lâm chỉ cần chậm vài ngày là công ty mất toàn bộ lô hàng.
Ngoài những hình thức lừa đảo trên thì việc thu hồi các khoản nợ trễ hạn đối với một số đối tác nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn, khiến doanh nghiệp phải chịu nhiều ảnh hưởng như mất doanh thu, giảm lợi nhuận, giảm tín dụng có sẵn, giảm năng suất lao động… Theo Giám đốc Kinh doanh tại Việt Nam của Assurance Global (Công ty tư vấn và cung cấp các giải pháp tài chính, quản lý nợ thương mại), Chris McNabb, năm 2015, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mất khoảng 8 tỷ USD do không thể thu về các khoản nợ.
Những câu chuyện nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tình trạng bên nhập khẩu cấu kết với ngân hàng hay hãng vận tải để làm giả giấy tờ; đối tác không chịu trả tiền hàng… đã và đang xảy ra với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản nói riêng, nhiều lĩnh vực khác nói chung. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tế nhị, nhất là việc muốn bảo vệ hình ảnh của công ty nên hầu hết doanh nghiệp đều không muốn làm to chuyện.
Doanh nghiệp cần tìm hiều thị trường trước khi xuất khẩu – Ảnh: Quang Quyết
Để hạn chế được rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, VASEP lưu ý các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cần ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác với giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian. Bên cạnh đó, vì hợp đồng mua bán luôn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên nên doanh nghiệp cần quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình (đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại), tránh các trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp.
Theo luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các doanh nghiệp làm ăn với nước ngoài càng ngày càng phải thận trọng: Thứ nhất để tránh rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh; Thứ hai để tránh rơi vào bẫy của các doanh nghiệp lừa đảo. Điều quan trọng nhất khi hợp tác làm ăn, mua bán xuất nhập khẩu là điều tra kỹ đối tác, vì dù hợp đồng quy định có chặt chẽ đến thế nào, mà đối tác không có thiện chí thì việc kinh doanh, thu hồi nợ sẽ gặp khó khăn. Điều tra đối tác có thể qua nhiều nguồn như trao đổi, tiếp xúc trực tiếp, qua bạn hàng, hiệp hội, công ty tư vấn, thương vụ, sứ quán, đặc biệt là với những đối tác giao dịch lần đầu.
Đồng quan điểm, bà Hồ Thị Thúy Ý, Công ty Assurance Global cho rằng, các doanh nghiệp muốn tìm hiểu đối tác thì có thể gọi điện trực tiếp, tra thông tin trên google hoặc thuê bên thứ ba điều tra với chi phí khoảng 250 USD (Assurance Global hiện đang cung cấp dịch vụ này). Ngoài ra, có cách khác là đối tác phải cung cấp các thông tin người giới thiệu uy tín để doanh nghiệp có thể liên lạc xác nhận. Khi thấy trường hợp công ty đăng ký kinh doanh ở một nước nhưng xuất L/C bởi một ngân hàng ở nước khác thì nên ngừng giao dịch ngay bởi đây có thể là những công ty lừa đảo hay công ty ma.
“Để tránh trường hợp nợ xấu, khi số nợ đã trễ quá 3 tháng, các doanh nghiệp cần phải tiến hành ngay các bước thu hồi nợ lập tức vì nếu để quá lâu tỷ lệ thu hồi nợ thành công càng thấp. Cách tốt nhất là liên hệ luật sư hoặc các công ty thu hồi nợ thuê để giảm thiệt hại tài chính”, bà Ý cho biết thêm.