Giải pháp cho công tác quản lý an toàn thực phẩm (Phần I)

Chưa có đánh giá về bài viết

An toàn thực phẩm, an toàn bệnh dịch động, thực vật là những nội dung đang rất được quan tâm. Thế nhưng, việc thực thi hiện nay đang gặp rất nhiều vấn đề, đặc biệt là sự chồng chéo giữa các đơn vị quản lý nhà nước hay giữa các Quyết định, Thông tư…

Nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc này và để việc thực thi được hiệu quả, Tạp chí Thủy sản Việt Nam xin chia sẻ bài viết “Một số thách thức đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta hiện nay và đề xuất giải pháp” của ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; thành viên Đoàn giám sát ATTP, Quốc hội khóa XIV, Trưởng ban Phát triển Thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam).

HỘI NHẬP KINH TẾ VIỆT NAM VỚI THẾ GIỚI

1.1. Khái niệm về hội nhập 

Hội nhập là sự thỏa thuận và ký kết giữa 1 quốc gia với 1 quốc gia hoặc với một nhóm quốc gia hoặc với tất cả các quốc gia trên thế giới, về khung pháp lý chung cho một lĩnh vực hoạt động cụ thể, ví dụ: kinh tế/quốc phòng/toàn diện. Các cấp độ hội nhập: i) Hội nhập song phương là thỏa thuận của 2 quốc gia; ii) Hội nhập khu vực là thỏa thuận của một nhóm quốc gia; iii) Hội nhập quốc tế là sự thỏa thuận của tất cả các quốc gia thuộc tổ chức toàn cầu, ví dụ: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điểm chung của các Hiệp định hội nhập kinh tế là Quy định: i) Nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, ii) Quyền lợi riêng có của các quốc gia thành viên, iii) Các thành viên bình đẳng với nhau về nghĩa vụ và quyền lợi 

1.2. Các hiệp định (hội nhập sâu) kinh tế Việt Nam với thế giới

Các hiệp định hội nhập sâu kinh tế Việt Nam với thế giới tính đến năm 2016, trình bày tại bảng 1.

Đến nay, Việt Nam đã kết thúc đàm phán kỹ thuật hoặc đã được Quốc hội thông qua 13 Hiệp định thương mại hội nhập sâu kinh tế Việt Nam với thế giới. Trong đó năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới là dấu mốc rất quan trọng ghi nhận Việt Nam đã gia nhập sân chơi chung về kinh tế với thế giới. 

1.3. Đặc điểm chung của các hiệp định hội nhập sâu về kinh tế 

a. Tóm tắt các loại rào cản trong quan hệ thương mại, trình bày tại bảng 2


b. Khi chưa là thành viên của các hiệp định: Các nước có quyền tùy ý áp đặt 5 nhóm rào cản nêu trên để cản trở, ngăn chặn hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào nước mình và ngược lại cũng sẽ bị các nước áp đặt rào cản tùy ý. c. Khi đã là thành viên của hiệp định hợp tác thương mại: –  Rào cản thuế sẽ được cắt bỏ hoàn toàn hoặc được giảm tới mức thấp nhất và áp dụng một mức chung cho sản phẩm cùng loại. –  Rào cản hạn ngạch (còn gọi là quơta) sẽ hoàn toàn được dỡ bỏ. Khi đã là thành viên ký kết hiệp định, nếu khả năng cạnh tranh hàng hóa không cao (chất lượng thấp, giá cao, uy tín thương hiệu chưa có…) sẽ là thách thức rất lớn. Ví dụ ở Việt Nam, sau khi là thành viên WTO, các mặt hàng đường, muối, phân bón, các sản phẩm gia dụng đã bị canh tranh quyết liệt về chất lượng và giá bán ngay tại thị trường nội địa. 

1.4. Đổi mới tư duy trong thời kỳ hội nhập

a. Bài phát biểu của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan về đổi mới tư duy trong thời kỳ hội nhập, đăng trên “Thời báo Kinh tế Việt Nam” ngày 10/2/2007.

b. Quan điểm của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan về hội nhập

Chuyển đổi tư duy từ phạm vi quốc gia sang phạm vi toàn cầu.

Khi định hướng sản xuất một mặt hàng:

Nếu chỉ xem xét nguồn lực, khả năng tiêu thụ ở trong nước thì là tư duy phạm vi quốc gia. Nhưng nếu xem xét đến khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ trên phạm vi thế giới , thì là tư duy trên phạm vi toàn cầu. Ví dụ, khi xây dựng chiến lược phát triển sản xuất cá tra: 

– Nếu chỉ nghĩ tới kỹ thuật sản xuất giống, kỹ thuật nuôi, diện tích nuôi, nhà máy chế biến, chống ô nhiễm tại Việt Nam, thì mới chỉ là tư duy ở phạm vi quốc gia. 

– Nếu xem xét nhu cầu của thế giới đối với cá tra nói riêng, cá da trơn nói chung trong 10 – 20 năm tới; những đối thủ cạnh tranh hiện tại (cá nheo Mỹ được nuôi tại Mỹ và Trung Quốc). Triển vọng nghiên cứu và nuôi cá tra của các nước tiểu vùng hạ lưu sông Mê – kông, Ấn Độ, Banglades – qua đó dự tính khả năng cạnh tranh, biến động giá để có đối sách (kịch bản) thích hợp thì đó là tư duy phạm vi toàn cầu. 

Chuyển đổi cách hành xử: 

– Nếu ai đó tự cho mình có quyền đứng trên luật hoặc ra lệnh, bất chấp luật pháp thì đó sẽ là hành xử kiểu phong kiến, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương và kìm hãm sự phát triển của xã hội, cách tư duy này cần sớm được loại bỏ. 

– Nếu điều hành đất nước theo Hiến pháp và pháp luật (được xây dựng trên tiêu chí: khách quan – công khai – công bằng) thì sẽ đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo cơ hội thuận lợi nhất cho đất nước phát triển, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Cách hành xử này cần nhanh chóng được thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành. 

Chuyển đổi chính sách điều hành: 

– Nếu duy trì việc điều hành chính sách theo kiểu bảo hộ, co cụm và bao cấp sẽ kìm hãm sự phát triển sản xuất, tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho một số người và chắc chắn sẽ bị nhân dân và các nước thành viên WTO phản ứng. 

–  Nếu thực hiện điều hành đất nước dựa trên việc dự đoán trước tình hình kinh tế trong nước và thế giới, từ đó đưa ra các phương án chủ động tiến công, chủ động chiếm lĩnh thị trường, thì xác suất thành công sẽ cao, như ông cha thường nói “Biết người biết mình, trăm trận trăm thắng”. Thiết nghĩ, tuy Việt Nam đã là thành viên của WTO 10 năm, nhưng những lời khuyên của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan vẫn còn nguyên giá trị.

>> Giải pháp cho công tác quản lý an toàn thực phẩm (Phần II)

>> Giải pháp cho công tác quản lý an toàn thực phẩm (Phần III)

Ông Nguyễn Tử Cương - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!