Đề án 52 tại Trà Vinh: Trọng tâm nâng cao chất lượng dân số

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tìm hiểu những thành tựu qua hai năm triển khai thực hiện Đề án 52 của tỉnh Trà Vinh, phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nhanh – Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ Trà Vinh.

Ông Nguyễn Văn Nhanh – Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Trà Vinh

 

Qua 2 năm triển khai thực hiện, hiệu quả mà Đề án 52 mang lại cho người dân vùng biển là gì, thưa ông?

Sau khi triển khai Đề án 52, việc kiểm soát dân số, chất lượng dân số, nâng cao chất lượng nguồn lao động đã từng bước được cải thiện, đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội ngày càng cao, đảm bảo phát triển kinh tế biển và an ninh, quốc phòng theo định hướng của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ.

Đối với Chương tình mục tiêu Quốc gia DS – KHHGĐ và các chương trình chăm sóc sức khoẻ nhân dân khác, việc triển khai Đề án sẽ góp phần trong việc triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả hơn công tác DS – KHHGĐ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại vùng biển và ven biển.

Không chỉ đạt mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em, tỷ lệ nạo phá thai và nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Các nhóm đối tượng đích (bà mẹ, trẻ em) sẽ được hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và dịch vụ y tế khác thuận lợi hơn như tư vấn và chăm sóc y tế để cải thiện sức khỏe, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và tệ nạn xã hội khác.

 

Theo ông, trở ngại lớn nhất của Trà Vinh trong việc triển khai thực hiện Đề án 52 là gì?

Trà Vinh là một tỉnh có nhiều xã ven biển, đây là địa bàn còn nhiều khó khăn về giao thông, dân cư sống rải rác, nhu cầu sinh nhiều con còn cao nên việc tiếp cận tuyên truyền, vận động tại hộ gia đình bị hạn chế.

Mặt khác, việc trang bị các trang thiết bị, dụng cụ y tế nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, SKSS/KHHGĐ cho các Đội dịch vụ lưu động y tế – dân số còn nhiều khó khăn, do kinh phí trung ương phân bổ cho nội dung này còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Trước tình hình đó, tỉnh đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền tại các vùng sâu, vùng xa vùng có nhiều khó khăn về kinh tế. Cộng tác viên dân số đến từng nhà động viên khuyền khích người dân tham gia công tác dân số, tham gia vào các đội truyền thông lưu động, đồng thời phổ biến kiến thức về SKSS/KHHGĐ một cách toàn diện và hiệu quả.

 

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Trà Vinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án?

Để việc triển khai thực hiện Đề án 52 thực sự có hiệu quả, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của người dân, trong quá trình triển khai thực hiện cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương và sự phối hợp nhiệt tình của các ban, ngành, đoàn thể cùng sự hưởng ứng tham gia của người dân tại các địa bàn triển khai Đề án.

 Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của nhân dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, SKSS/KHHGĐ, góp phần cải thiện chất lượng dân số, phát triển kinh tế vùng miền, nâng cao đời sống ngư dân. Việc tuyên truyền, giáo dục phải đi liền với cung cấp các dịch vụ, tài liệu, giúp người dân vùng biển có điều kiện tiếp cận một cách toàn diện nhất, từ đó có những thay đổi về nhận thức lẫn hành vi.

 

Cán bộ y tế tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

 

Vậy, công tác DS – KHHGĐ của Trà Vinh trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Trong thời gian tới, công tác DS – KHHGĐ tỉnh Trà Vinh sẽ chú trọng việc duy trì xu thế giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số, trong đó sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp:

Tiếp tục triển khai quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, các văn bản pháp quy, luật pháp về lĩnh vực DS – KHHGĐ sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống người dân.

Hoàn thiện bộ máy tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng cộng tác viên có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý địa bàn.

Thực hiện tốt giải pháp huy động nguồn lực cho công tác DS – KHHGĐ, ngoài ngân sách được trung ương giao cần tranh thủ nguồn lực từ các địa phương và cộng đồng nhằm tăng cường hiệu quả triển khai các hoạt động.

Tăng cường sự phối hợp, kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn bằng nhiều hình thức, trên nhiều kênh nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi nhân dân về chính sách DS – KHHGĐ.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Đề án 52 được triển khai ở Trà Vinh từ năm 2009, trên phạm vi 30/68 xã của 5 huyện, thành phố, đã in và cấp 38.000 tờ bướm các loại mang nội dung về CSSKSS/KHHGĐ. Tổ chức phát thanh tuyên truyền về các nội dung DS – KHHGĐ, kết quả thực hiện đạt 1.920 lần, mỗi lần phát trong thời lượng 15 phút.

Nguyễn Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!