Mấy năm gần đây, dù còn nhiều khó khăn nhưng nông dân và các doanh nghiệp nuôi cá tra luôn đặt vấn đề an toànchất lượng lên hàng đầu, trong đó nguồn giống, thức ăn được kiểm tra hết sức nghiêm ngặt.
Sản xuất cá tra vẫn đang đà tăng trưởng mạnh
Những tháng gần đây, cá tra vào thị trường Mỹ có phần giảm sút do gặp quá nhiều rào cản. Tuy nhiên, nhờ thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác tiêu thụ mạnh nên giá cá trong nước luôn đứng ở mức khá cao. Dự báo từ nay tới cuối năm, cá tra có thể tiếp tục tăng giá.
Theo Bộ NN&PTNT, 10 tháng đầu năm, sản xuất cá tra vẫn đang đà tăng trưởng mạnh, nhiều diện tích được thu hoạch để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến. Giá cá tra thương phẩm tăng so với tháng trước, dao động ở mức 26.000 – 28.000 đồng/kg, tăng 20% so cùng kỳ năm 2016. Diện tích nuôi cá tra của các tỉnh vùng ĐBSCL 10 tháng qua đạt 5.410 ha, giảm 0,3% so cùng kỳ năm 2016; sản lượng thu hoạch tăng trưởng khá, đạt 1,1 triệu tấn, tăng 11,2%. Trong đó, các tỉnh có sản lượng lớn là Đồng Tháp với 412,4 nghìn tấn, tăng 2,9%; Cần Thơ đạt 152,9 nghìn tấn, tăng 9,6%.
Về con giống, hiện Bộ NN&PTNT đã thực hiện chương trình sản xuất cá tra giống 3 cấp phục vụ nguồn con giống chất lượng cho vùng nuôi tại các tỉnh ĐBSCL. Đại diện Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cung cấp được 383,5 triệu con cá tra bột cho 22 cơ sở ương giống trong Chi hội Sản xuất giống cá tra AFA (Chi hội AFA), giá bán 1,2 đồng/con. Riêng vùng ương giống cá tra 3 cấp được bố trí một số điểm quan trắc để cảnh báo cho nông dân về diễn biến chất lượng nguồn nước cung cấp, đồng thời có giải pháp khắc phục kịp thời khi chất lượng nước xấu, tránh thiệt hại cho nông dân ương nuôi giống. Khi cá đạt kích cỡ theo thỏa thuận, Công ty Agifish và Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng sẽ cung cấp thức ăn theo đúng tinh thần hợp đồng 4 bên đã ký kết. Chất lượng cá tra giống được giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến đưa ra nuôi thương phẩm.
Về các vùng nuôi cá tra tại một số tỉnh, thành đạt chứng nhận VietGAP, ASC, GlobalGAP, cùng đó, các doanh nghiệp cũng tự xây dựng vùng nuôi đạt các tiêu chuẩn quốc tế để cung ứng nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu.
Thức ăn cho cá tra đạt chất lượng quốc tế; khi có rất nhiều công ty chế biến thức ăn cho cá tra ở ĐBSCL đạt chất lượng cao nhằm giúp con cá phát triển tốt và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chính nguồn thức ăn là yếu tố rất quan trọng quyết định chất lượng của cá tra thành phẩm.
Nhà máy chế biến, xuất khẩu cá tra trang bị công nghệ hiện đại
Về chế biến, hầu hết các nhà máy chế biến, xuất khẩu cá tra đều được trang bị công nghệ hiện đại, một trong những đơn vị hàng đầu phải kể đến như IDI, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương… Những đơn vị này đã không chỉ sản xuất sản phẩm cá tra fillet thông thường mà còn đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm dầu ăn cao cấp, collagen từ cá tra. Cùng đó, sản phẩm cá tra xuất khẩu được các doanh nghiệp đăng ký quản lý chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, nên cá tra được xuất khẩu đi nhiều thị trường như Mỹ, EU, Mexico, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada.