Quảng Ninh: Khuyến cáo bảo vệ thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong tháng 11/2024, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện lấy mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh. Từ đó đưa ra một số biện pháp kiểm soát biến động môi trường, hạn chế dịch bệnh cho các địa phương.

Theo đó, tổng số 25 điểm được tiến hành quan trắc tại 5 vùng nuôi nhuyễn thể/cá biển, bao gồm Quảng minh, Tân Lập, Bản Sen, Thắng Lợi và Cẩm Đông. Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, COD, NH3, NH4+, H2S, thực vật phù du và tảo độc.

Kết quả

Đối với môi trường nuôi nhuyễn thể/cá biển:

Kết quả quan trắc cho thấy các chỉ tiêu nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, NH3, H2S và thực vật phù du đều có giá trị nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Không phát hiện tảo độc trong tất cả các màu nước.

Tuy nhiên, chỉ tiêu COD và NH4+ tại một số điểm quan trắc có giá trị không phù hợp. Cụ thể COD có 4% (1/25) mẫu có giá trị cao hơn giới hạn cho phép từ 1,6 lần; NH4+ có 40% (10/25) mẫu có giá trị cao hơn GHCP từ 1,02 – 2,28 lần.

Cung cấp thức ăn đảm bảo dinh dưỡng và hợp vệ sinh, tránh tình trạng dư thừa. Ảnh: Văn Trí

Đối với môi trường nuôi thủy sản nước ngọt:

Tổng số vùng nuôi thủy sản nước ngọt được quan trắc, trong đó có 12 điểm

quan trắc ao nuôi và 8 điểm quan trắc nguồn cấp. Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nhiệt độ, pH, DO, COD, NH4+, H2S , NO2 và vi khuẩn Aeromonas sp. tổng số.

Kết quả quan trắc môi trường ao nuôi: Các chỉ tiêu phân tích bao gồm nhiệt độ, pH, NH3, NO2, H2S và Aeromonas tổng số của các điểm quan trắc đều có giá trị trong giới hạn cho phép, phù hợp cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt. 

Tuy nhiên, chỉ tiêu DO có 8,33 % (1/12) mẫu có giá trị thấp hơn giới hạn cho phép 1,01 lần; Các chỉ tiêu cao hơn giới hạn cho phép: COD có 16,67 % (2/12) mẫu có giá trị cao hơn giới hạn cho phép từ 1,16 – 1,84 lần; NH4+ có 8,33 % (1/12) mẫu có giá trị cao hơn giới hạn cho phép 1,11 lần.

Kết quả quan trắc nguồn nước cấp: Tất cả các chỉ tiêu phân tích bao gồm nhiệt độ, DO, pH, COD, NO2, NH3, NH4+, H2S và Aeromonas tổng số tại 8 điểm quan trắc đều có giá trị trong giới hạn cho phép, phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.

Khuyến cáo

Với kết quả trên, để giảm thiểu thiệt hại, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã có một số giải pháp khuyến cáo như sau:

Môi trường nuôi nhuyễn thể/cá biển: Người nuôi cần duy trì các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, nhất là đối với các hộ có hàm lượng COD và NH4+ cao vượt giới hạn cho phép. Cụ thể:

Sử dụng thức ăn chất lượng cao và cho ăn đúng cách: Cung cấp thức ăn đảm bảo dinh dưỡng và hợp vệ sinh, tránh tình trạng thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước. Đồng cung cấp thêm các chất bổ sung Vitamin C và khoáng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cá.

Phòng ngừa dịch bệnh bằng các biện pháp vệ sinh: Loại bỏ thức ăn dư thừa, cá chết ra khỏi lồng, khử trùng thiết bị, lưới định kỳ, tránh lây lan mầm bệnh qua các dụng cụ sử dụng chung. Sử dụng vôi sống hoặc TCCA dạng viên to buộc trong túi vải và treo quanh lồng để khử trùng nguồn nước, tần suất 2 lần/tháng.

Môi trường nuôi cá nước ngọt: Áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp để duy trì chất lượng nước ổn định.

Quản lý môi trường ao nuôi: Theo dõi và điều chỉnh các chỉ tiêu môi trường như pH, ôxy hòa tan, để phù hợp với nhu cầu của cá. Đảm bảo ôxy hòa tan luôn ở mức ≥ 4 mg/L; Hạn chế chất thải hữu cơ trong ao để tránh sự hình thành các khí độc như NH3, H2S, có thể gây stress cho cá. 

Kiểm soát dinh dưỡng và thức ăn: Giảm lượng thức ăn khi nhiệt độ giảm, vì cá ăn ít hơn. Cho ăn lượng vừa đủ để hạn chế thức ăn thừa, giúp môi trường nước ít bị ô nhiễm; Cung cấp thêm các chất bổ sung Vitamin C và khoáng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cá.

Sử dụng chế phẩm sinh học: Giúp kiểm soát vi khuẩn có hại, cải thiện chất lượng nước và giảm nguy cơ phát sinh bệnh

Theo dõi sức khỏe cá thường xuyên: Theo dõi tình trạng hoạt động, tiêu thụ thức ăn, màu sắc và dấu hiệu bất thường ở cá. Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh sẽ giúp có biện pháp xử lý kịp thời. 

Quản lý mật độ nuôi phù hợp: Tránh nuôi với mật độ quá dày để giảm căng thẳng và nguy cơ lây nhiễm.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!