(Thủy sản Việt Nam) – Lâu lắm rồi không được về quê cũ, cái chất dân dã trong con người làng quê dường như đã nhạt dần đi, thay vào đó là những toan tính nhọc nhằn, những bộn bề âu lo của cuộc sống ngặt nghèo nơi phố thị. Hôm nay tôi lại về quê kéo vó tôm, khi nghe nhiều người nói bâng quơ con nước đầu mùa đã bắt đầu chảy mạnh, đưa những chú tôm gầy theo dòng nước bơi nhẹ trên mặt vó…
Nhớ những ngày xưa, thủa lên chín lên mười, tôi vẫn thường theo các chú các anh ra đoạn đê đầu làng thả vó, đánh giậm, nhưng chẳng bao giờ dám xuống nước. Tôi chỉ ngồi trên bờ, nhặt những cánh cỏ may găm đầy ống quần, để rồi lại bất ngờ reo vui khi thấy những chú cá rô con, hay những chú tôm nhỏ nhảy tanh tách trong vó của ai đó. Thế cũng đủ vui cho tuổi thơ.
Vó tôm – Ảnh: Thái Phiên
Ngày ấy, vào những ngày chớm hạ, cái nắng vừa đủ để đổ mồ hôi chứ chưa bắt những con cua phải ngoi lên bờ như trong thơ của Trần Đăng Khoa, lũ trẻ quê chúng tôi lại rồng rắn vác sào, thính, vó và hom kéo nhau ra đồng, hay đến cái ao cuối làng tập kéo vó. Tôi được bà nội làm cho một cái vó nhỏ bằng tấm vải màn may lại, với hai thanh cật tre vót mỏng uốn cong thành hình chữ U, một chiếc sào dài để kéo vó lên.
“Mồi” để cho vào vó là thính. Thính được làm bằng gạo rang cháy vàng, giã thật nhỏ, thấm một chút nước để khi thả xuống vó không bị trôi mất. Thính gạo rang ngấm nước ao, thơm nức mũi và sóng sánh trong vó vô cùng hấp dẫn. Khi những chú tôm, chú tép nhỏ bơi vào trong vó, phải thật nhẹ nhàng, từ tốn kéo vó lên khỏi mặt nước cho khỏi động, lũ tôm tép tinh ranh sẽ không nhảy ra được. Những lúc ấy, đứa nào cũng hồi hộp xem mẻ vó này được bao nhiêu. Có đứa đã cầm sẵn hom đổ tép vào. Cũng có những lúc hấp tấp để tôm tép nhảy ra ngoài, cả lũ thi nhau chộp lấy, tiếng cười, tiếng gọi vang động cả một vùng quê yên bình…
Nhiều nhà trong làng tôi làm nghề kéo vó, kiếm kế sinh nhai. Có mùa trúng đậm, mang đổi thóc, đổi áo hay bán lấy tiền để dành những lúc giáp hạt. Có khi những người kéo vó được nhiều, lại đem chia cho những gia đình khó khăn trong xóm, gọi là lộc trời thơm thảo, cũng là để khắng khít thêm tình làng nghĩa xóm. Những cảnh nghèo thường dễ cảm thông nhau lắm…
Lớn lên, tôi rời bỏ đồng ruộng, rời bỏ những chiếc vó tôm để đi học xa nhà. Rồi cứ thế, vòng xoáy cuộc sống cuốn đi với những bộn bề. Chẳng còn thời gian để về quê chơi, để lại được chăn trâu cắt cỏ, làm một chú mục đồng nhiều tuổi vắt vẻo trên lưng trâu mỗi chiều, để được tung tăng mang vó đi kéo như những ngày còn thơ bé…
Hôm nay, tạm rời xa cuộc sống mưu sinh nơi phố thị, tôi lại về quê kéo vó tôm. Nhưng tiếc rằng chẳng còn lũ trẻ quê mùa cùng đi nữa, con sông quê cũng không còn nước cho tôi thả vó tôm, cái ao cuối làng đã lấp để làm biệt thự. Tôi bần thần đi giữa miền thương nhớ, trên tay nặng trĩu chiếc vó của tuổi thơ.
Làng mình bây giờ còn nơi nào để thả vó tôm?!…
Bùi Hữu Cường