Vùng áp thấp trên Biển Đông đang mạnh lên và tiến gần đến quần đảo Hoàng Sa gây mưa dông và gió giật mạnh cấp 8.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của vùng áp thấp trên Biển Đông. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ sáng nay (9/8), vùng áp thấp đang nằm ngay trên vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, trong ngày và đêm nay, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có mưa rào và dông kèm gió giật mạnh cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 7 giờ ngày 10/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Đông Đông Bắc.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Ngoài ra, dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong ngày và đêm nay, ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4m; biển động.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trên đất liền, các tỉnh Bắc Bộ trời có mưa rào và dông vài nơi. Mực nước trên sông Lô tại Hà Giang đang lên và có khả năng sẽ tăng nhanh lên mức BĐ1- BĐ2 do mưa lớn phía thượng lưu.
Các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lũ cũng đang lên khá nhanh. Dự báo, đến ngày 10/8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 3,55m, trên báo động (BĐ) 1 là 0,05m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2,9m, dưới BĐ1 0,1m.
Khu vực Gia Lai, Kon Tum trong ngày hôm nay cũng có mưa rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ vùng núi và ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp ở tỉnh Gia Lai, KonTum, đặc biệt là các huyện Ia Grai (Gia Lai) và Ngọc Hồi, Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai, TP KonTum (KonTum).