THỨ BA, ngày 21/1/2025

Sớm giải quyết tình trạng nuôi thủy sản tự phát trên sông Chà Và

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhờ có sông Chà Và, xã đảo Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2007 trở lại đây, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhiều lần quy hoạch, sắp xếp lại các khu nuôi cá lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại Long Sơn theo hướng giảm mật độ các lồng nuôi trên sông, góp phần tăng năng suất, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và liên tục chết hàng loạt do môi trường nước ô nhiễm.

Nhưng thực tế cho thấy, số lồng bè vẫn tiếp tục tăng, ô nhiễm ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Để phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, năm 2007, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định 762 quy hoạch vùng nuôi thủy sản trên sông Chà Và, trong bối cảnh nghề nuôi trồng thủy sản ở đây còn rất manh mún. Theo đó, tại đây được quy hoạch thành bảy vùng nuôi cá biển lồng bè với diện tích 64,8 ha và chín vùng bãi triều nuôi các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ với diện tích khoảng 72,4 ha. Tuy nhiên, trước sự phát triển quá nhanh của nghề nuôi cá lồng bè, năm 2015, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 167 thay thế Quyết định 762 trước đây, với tám tiểu khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ, tổng diện tích 511.610 m2, bố trí tương ứng 5.037 lồng nuôi trồng thủy sản gồm cá biển, tôm hùm và hàu. Mặc dù vậy, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và vẫn tăng lên nhanh, tiếp tục phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an toàn giao thông đường thủy…

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2006 tại khu vực này chỉ có 13 doanh nghiệp với 13 bè nuôi trồng thì năm 2012 có 81 bè với khoảng 2.670 lồng; năm 2017 lên đến 275 bè với khoảng 8.000 lồng, trong đó có 99 bè (khoảng 2.697 lồng) nằm ngoài quy hoạch. Nhiều khu nuôi trồng thủy sản ở đây có số lồng bè vượt so với quy định, chẳng hạn Tiểu khu 4 có 76 hộ nuôi với 1.852 lồng, vượt 117,6%; Tiểu khu 8 có 50 hộ nuôi với 1.031 lồng, vượt 155%…

Anh Phạm Tấn Thảo, thôn 5, xã Long Sơn, là một trong những ngư dân đầu tiên của xã nuôi tôm, cá lồng bè trên sông Chà Và, cho nên anh rất hiểu về những thuận lợi, thăng trầm của nghề nuôi trồng hải sản. Những năm gần đây, nhất là giai đoạn từ cuối năm 2010 đến nay, năm nào tình trạng tôm, cá chết hàng loạt cũng xảy ra do nguồn nước ô nhiễm trong khi mật độ nuôi trồng lại quá cao. Không ít hộ bị phá sản, lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Để sắp xếp, cải tạo lại vùng nuôi, theo hướng hợp lý, khoa học, nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước, ngày 13-7-2017, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, khu vực sông Chà Và được bố trí thành tám tiểu khu, đánh số từ Tiểu khu số 1 đến Tiểu khu số 8. Tổng diện tích của các tiểu khu bao gồm diện tích đặt lồng và diện tích của khoảng cách giữa các bè và giữa các lô đến năm 2020 là 749.720 m2, tỷ lệ diện tích lồng đặt so với diện tích mặt nước của các tiểu khu chiếm trung bình khoảng 31,3%. Ngoài khu nuôi trên sông Chà Và, địa phương cũng quy hoạch thêm một số diện tích nuôi trên sông Dinh và sông Mỏ Nhác để đáp ứng nhu cầu nuôi ngày càng lớn của người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã xây dựng kế hoạch bố trí sắp xếp và di dời các cơ sở lồng bè vào khu quy hoạch được tỉnh phê duyệt, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động toàn bộ các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và cắt giảm 50% mật độ lồng nuôi. Quá trình sắp xếp, di dời dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2017.

Tuy nhiên đến nay, hơn một năm trôi qua, số lồng bè nằm ngoài quy hoạch chuyển đến khu quy hoạch mới rất ít. Ông Nguyễn Hữu Thy, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: Có rất nhiều lý do khiến ngư dân không đồng ý di dời vào vùng nuôi đã quy hoạch. Điển hình như tại vùng nuôi được quy hoạch trên sông Dinh, với chiều dài 3 đến 4 km, bề ngang 25 đến 30 m, nhưng người dân không vào, vì cho rằng, đây là luồng hàng hải cho hơn 1.000 chiếc tàu của huyện Long Điền đi ra biển, khúc sông này dòng chảy mạnh, không phù hợp nuôi trồng hàu, tôm, cá…

Trước sự chậm trễ này, mới đây, tại buổi làm việc với TP Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và TP Vũng Tàu phải khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, bởi việc nuôi trồng tự phát của ngư dân trên sông Chà Và không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý môi trường, cản trở dòng chảy, an toàn giao thông thủy, mà còn gây thiệt hại rất lớn cho chính ngư dân khi tất cả tài sản tích lũy nhiều năm có thể mất trắng chỉ sau một đêm do tình trạng cá, tôm chết hàng loạt như thời gian qua.

Bài và ảnh: Lê Anh Tuấn

Báo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!