THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

T2, 06/07/2020 01:27

Nuôi trồng thủy sản vào vụ mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời điểm này, người dân ở nhiều vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn TP đang khẩn trương thu hoạch lứa cá thương phẩm và chuẩn bị vào vụ mới. Cả trước và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, cá đều được giá nên bà con rất phấn khởi.

 Nuôi cá tại xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc

Được mùa, được giá Nằm trong vùng NTTS trọng điểm của TP, xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa có gần 300ha NTTS với hơn 200 hộ sản xuất. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, cả xã đã xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 tấn cá các loại. Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng Đinh Quang Lĩnh cho biết, ngay từ đầu năm 2019, giá các loại cá ổn định nên toàn xã chỉ có khoảng 30% số hộ xuất bán cho thương lái, còn lại phần lớn các hộ gia đình đầu tư mua hoặc thuê chung xe ô tô tải chở cá đi bán tại các chợ đầu mối trên TP.

Khảo sát thực tế của phóng viên tại một số vùng NTTS trên địa bàn TP cho thấy, giá các loại cá sau Tết đã tăng đáng kể. Cá trắm, cá chép (loại trên 3kg) có giá bán buôn trung bình từ 55.000 – 60.000 đồng/kg, bán lẻ từ 65.000 – 70.000 đồng/kg; giá các loại cá khác như cá trôi, cá rô phi cũng tăng nhẹ, trung bình từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Hải, xã Trầm Lộng chia sẻ, nếu cá vẫn giữ mức giá bán này trong khoảng 10 ngày nữa thì với 8 tấn cá thu hoạch từ ao nuôi của gia đình cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng. Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, chỉ tính riêng dịp trước Tết Nguyên đán 2019, huyện đã cung cấp cho thị trường Thủ đô gần 4.000 tấn cá thương phẩm các loại.

Tuy nhiên, do tâm lý tranh thủ được giá nên nhiều hộ “để dành” số lượng lớn cá thương phẩm ra Giêng mới thu hoạch. Cá bán chạy lại được giá nên nhiều hộ gia đình trực tiếp mua hoặc thuê xe vận chuyển cá ra chợ đầu mối Long Biên, Pháp Vân để bán, thay vì đổ buôn cho thương lái như các đợt thu hoạch trong năm. Chủ động phòng trừ dịch bệnh Cùng với việc xuất bán lứa cá thương phẩm đầu tiên trong năm, người NTTS đang tích cực chuẩn bị cho vụ nuôi cá mới. Anh Nguyễn Văn Bốn, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai có kinh nghiệm nhiều năm nuôi và kinh doanh cá giống cho biết, thời điểm này, giá bán cá giống tương đối ổn định: Cá trắm, chép giống loại 1kg có giá 50.000 đồng/kg, loại 300 – 400g có giá 40.000 đồng/kg.

Đây là 2 loại cá mà gia đình anh nhận được nhiều đơn đặt hàng nhất. Theo kinh nghiệm của các hộ NTTS, tháng 2, tháng 3 là thời điểm giao mùa nên các loại cá nuôi nước ngọt dễ mắc một số bệnh thường gặp như bệnh tiêu chảy ở cá trắm, bệnh mỏ neo ở cá mè, bệnh thối vẩy ở cá chép… Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, do biến động thời tiết cùng với ô nhiễm môi trường đã khiến thủy sản nuôi bị giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển thành dịch. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Chi cục Thủy sản và Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Nội đã phối hợp với các địa phương có diện tích NTTS trên địa bàn TP lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, đẩy mạnh việc giám sát nuôi trồng nên đã phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở lấy mẫu thủy sản xét nghiệm định kỳ và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường. Để chủ động phòng ngừa và đối phó với dịch bệnh trong NTTS, từ nay đến hết tháng 3, Chi cục Thủy sản phối hợp với Phòng Kinh tế các huyện vận động bà con thu hoạch hết lứa cá thương phẩm bán sau Tết. Tiếp đó, khẩn trương thực hiện vệ sinh phòng bệnh tại 100% diện tích NTTS trên địa bàn TP. Theo đó, các hộ NTTS sẽ tẩy dọn ao đầm, tuân thủ mùa vụ nuôi thả, chuẩn bị ao nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc thủy sản nhằm đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh.

Ánh Ngọc

KTDT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!