THỨ BA, ngày 21/1/2025

T2, 06/07/2020 01:29

Hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ theo hướng bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, cùng với những chính sách của Trung ương, TP Đà Nẵng đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân trên địa bàn đóng mới tàu công suất lớn, mua sắm ngư cụ, trang thiết bị hiện đại, nâng giá trị khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Nhờ chính sách hỗ trợ của TP Đà Nẵng đã có nhiều tàu công suất từ 400cv được đóng mới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho biết: “Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương đã tác động tích cực đến hoạt động khai thác hải sản và đời sống kinh tế của ngư dân TP Đà Nẵng. Hiện nay, cơ cấu tàu thuyền và nghề khai thác tại thành phố có sự chuyển biến đáng kể theo hướng giảm số lượng tàu công suất dưới 90CV, tăng mạnh tàu 90CV trở lên khai thác ở vùng khơi; đồng thời giảm mạnh các nghề khai thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thủy sản (lưới kéo đôi, kéo đơn), tăng các nghề khai thác vùng khơi có hiệu quả kinh tế và không gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản (lưới rê cước, rê chuồn, lưới vây) phù hợp với định hướng phát triển thủy sản của Chính phủ và thành phố”.

Để giúp ngư dân có những con tàu công suất lớn vươn khơi, góp phần giảm áp lực khai thác ven bờ, năm 2012, TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 7068/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản (sau đổi lại là Quyết định số 47/QĐ-UBND). Theo đó, tàu đóng mới từ 400CV đến dưới 600CV ngư dân được hỗ trợ bằng tiền mặt 500 triệu đồng/tàu; từ 600 đến dưới 800CV được hỗ trợ 600 triệu đồng; trên 800CV được hỗ trợ 800 triệu đồng. Ngoài ra, các phí, lệ phí đăng kiểm đóng mới tàu, thuyền được thành phố hỗ trợ hoàn toàn. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cũng hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên đối với thuyền viên sản xuất trên các tàu có công suất từ 50CV đến 90CV. Với những chính sách trên, từ năm 2012 đến nay, thành phố đã hỗ trợ ngư dân đóng mới 120 chiếc tàu công suất 400CV trở lên, với số tiền hơn 94,5 tỷ đồng; hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 9.341 lượt người, với số tiền gần 540 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU, khay bảo quản sản phẩm, chuyển đổi nghề, ứng dụng các trang thiết bị trong khai thác… Đến nay, toàn thành phố có 1.254 tàu cá, với tổng công suất 381.508CV; trong đó tàu công suất từ 90CV trở lên là 661 chiếc, tàu công suất dưới 90CV có 593 chiếc. Tổng sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt từ 38.500 đến 43.000 tấn, với tổng giá trị 1.500-1.750 tỷ đồng…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ ở TP Đà Nẵng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, một số chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có phần hạn chế đối với ngư dân. Cụ thể: Chính sách vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá bị dừng, chính sách bảo hiểm thân tàu giảm còn 50%; chính sách hỗ trợ sau đầu tư chỉ áp dụng đối với tàu mới vỏ thép, vỏ tàu composite, trong khi đó, ngư dân vẫn chưa mặn mà đối với việc đầu tư các loại phương tiện này. Luật Thủy sản có hiệu lực từ 1-1-2019 quy định các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, đa số tàu cá của Đà Nẵng hiện nay không có thiết bị giám sát hành trình. 

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, hiện nay, số lượng tàu cá hoạt động khai thác xa bờ trên địa bàn thành phố đạt số lượng theo quy hoạch. Do đó, từ năm 2019, thành phố dừng chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá, ban hành các chính sách mới hỗ trợ lệ phí mua bảo hiểm thân tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng.

Để tận dụng các lợi thế, nâng cao chất lượng khai thác hải sản xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, theo Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh: Thành phố sẽ chỉ đạo ngành thủy sản địa phương giải quyết vấn đề vốn cho ngư dân, nâng cao trình độ đánh bắt xa bờ và năng lực cạnh tranh tổng thể của sản phẩm chế biến. Từ nay đến năm 2020, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức lại sản xuất, tập trung tái cơ cấu đội tàu khai thác thủy sản, duy trì ổn định sản lượng khai thác; phát triển đội ngũ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các tổ, đội khai thác trên biển, phấn đấu 100% tàu công suất 90CV trở lên tham gia tổ, đội và nghiệp đoàn nghề cá.

Thành Nam

QDND

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!