Điêu đứng vì thương lái Trung Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hiện nay, giá nhiều mặt hàng thủy sản đang rớt thê thảm khiến nông, ngư dân lao đao. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thương lái Trung Quốc dùng những trò “bẩn” ép giá. Tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng này.

Méo mặt vì giá

Thời gian vừa qua, thủy sản Việt Nam đang bị những chiêu trò của thương lái Trung Quốc khiến giá rớt thê thảm. Các sự việc xảy ra theo một mô típ chung là thao túng – mua nhỏ giọt – ngừng mua – mua lại và ép giá.

Ban đầu, các thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt hàng thủy sản với giá cao, họ đặt trạm gom hàng nông sản khiến nhu cầu tăng đột biến, giá thủy sản tăng nhanh. Sau khi thao túng được thị trường và nhận một phần sản phẩm, tất cả các thương nhân Trung Quốc bắt đầu hạn chế và dừng thu mua đột ngột khiến giá giảm nhanh chóng. Đến khi giá xuống rất thấp thì họ bắt đầu quay trở lại ép giá thấp hơn nữa và bắt đầu thu mua với nhiều tiêu chuẩn “kỳ lạ”.

Hiện nhiều ngư dân miền Trung đang khóc dở, mếu dở khi mực liên tục giảm. Trước đây, thương lái Trung Quốc thu mua với giá 150.000 đồng/kg thì nay, khi họ rút đi, người dân mời chào cả ngày cũng chỉ bán được 50.000 đồng/kg.

Quản lý buông lỏng, thương lái Trung Quốc mặc sức lũng đoạn trong thu mua nguyên liệu thủy sản – Ảnh: Đức Lợi

Tại Cà Mau, thương lái Trung Quốc cũng có mặt ở các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển… để thu mua cua, cá. Thời gian đầu họ mua với giá cao, trả tiền sòng phẳng. Sau khi gây “uy tín”, họ bắt đầu giở trò, trả tiền nhỏ giọt, lấy cua đợt sau mới trả đợt trước. Số nợ lớn dần, bị đòi tiền thì họ chuyển sang mua của người khác để tiếp tục khất nợ. Và khi tổng số nợ lên đến bạc tỉ thì họ… đánh bài chuồn.

 

Hậu quả khôn lường

Việc thương lái Trung Quốc dùng “chiêu” thu gom nguyên liệu đưa về nước chế biến đã gây thiệt hại cho cả nông dân, ngư dân và chủ nậu Việt Nam, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “đói” nguyên liệu. Về lâu dài không những gây “chảy máu” nguồn nguyên liệu, mà còn làm mất thị trường xuất khẩu chủ lực của một số mặt hàng.

Trường hợp xuất hải sản dưới dạng thô (mới qua sơ chế) cho dù có đầy đủ các chứng từ hợp pháp cũng là phương thức làm ăn cần hạn chế, vì tiêu tốn nhiều nguyên liệu, giá trị gia tăng thấp và để lại vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi các cơ sở chế biến nguyên liệu hải sản gần các cảng cá, hầu như không có hay ít đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Người dân sống gần ở các cơ sở này phải gánh chịu.

 

Cách nào để chấm dứt?

Theo ông Cao Tuy – Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ninh, chúng ta vẫn làm ăn theo lối tiểu ngạch, hợp đồng chỉ là thỏa thuận miệng giữa người dân và chủ nậu nên mới xảy ra tình trạng bị thương lái Trung Quốc ép giá. Muốn khắc phục tình trạng này, cần phải làm ăn theo hướng chính ngạch. Tức là, khi làm ăn với thương lái Trung Quốc cần có sự xác nhận của chính quyền, hợp đồng, thủ tục rõ ràng, nghiên cứu kỹ đối tác. Đặc biệt, người nông dân, ngư dân phải chủ động khi bắt tay với thương lái Trung Quốc.

Còn ông Ngô Tấn – Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết, Trung Quốc là thị trường chính của mực xà từ các tỉnh miền Trung. Việc đột ngột dừng thu mua này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân khai thác mực xà. Tuy nhiên, thương lái Trung Quốc không thu mua thì ngư dân cũng không biết làm thế nào. Ngư dân sẽ bán mực cho ai? Đây là câu hỏi cần được giải đáp. Bởi nếu đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm thì vấn đề này sẽ được giải quyết.

Do vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, về lâu dài, Chính phủ phải có chiến lược phát triển nông, lâm, thủy sản ổn định, để người dân không phải bận tâm với chuyện “được mùa, mất giá”, phải phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nước ngoài như hiện nay.

>> Không chỉ dùng chiêu ép giá, thương lái Trung Quốc gần đây còn bỏ trốn, quỵt nợ khiến hàng ngàn người dân lao đao.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!