THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

T2, 06/07/2020 01:29

Thừa Thiên Huế: Tăng cường phòng, chống khai thác thủy sản hủy diệt vùng ven biển và đầm phá

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong thời gian gần đây, nhiều tàu giã cào bất chấp lệnh cấm, khai thác ở vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế khiến hệ sinh thái môi trường bị hủy hoại, hư hỏng ngư lưới cụ, người dân rất bức xúc…

Tàu giã cào ngang nhiên hoạt động ven bờ khiến ngư dân Thừa Thiên Huế bức xúc

Trong những năm qua, công tác quản lý và phòng, chống và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm thực hiện. Các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, chất độc đã được xử lý khá triệt để.

Tuy nhiên, tình trạng tàu giã cào (lưới kéo) có công suất lớn xâm hại vùng biển ven bờ và khai thác hủy diệt trên đầm phá vẫn còn diễn ra phức tạp, gây hại đến nguồn lợi thủy sản và làm hư hỏng các loại ngư cụ hợp pháp của cộng đồng ngư dân ven bờ, vùng đầm phá gây mất an ninh trật tự.

Vì thế, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã ven biển tăng cường công tác phòng, chống tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ và hoạt động khai thác hủy diệt tại vùng đầm phá…

Theo đó, yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch truy quét, xử lý tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ và các hoạt động khai thác thủy sản truyền thống làm sinh kế của các cộng đồng ngư dânven biển, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn tài sản, ngư cụ cho các cộng đồng ngư dân vùng bãi ngangven biển; đảm bảo công tác triển khai phải quyết liệt, đồng bộ và kiên trì…

Tang vật của tàu giã cào bị lực lượng chức năng phát hiện được

Sở NN&PTNT nghiên cứu, triển khai việc xây dựng đề án thành lập lực lượng Kiểm ngư địa phương theo Luật Thủy sản mới năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019)…; từng bước xây dựng lực lượng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm ngư địa phương nhất là việc sử dụngcông cụ hỗ trợ để đảm bảo thực thi pháp luật trên biển mạnh mẽ, có hiệu quả, đúng quy định.

Chi cục Thủy sản cần chủ động tuần tra, kiểm soát, đấu tranh xử lý tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ và các hoạt động khai thác hủy diệt trên đầm phá. Triển khai kế hoạch phòng chống nghề giã cào ven bờ bằng thiết bị cắt cáp kết hợp chà rạo nhân tạo, song song với phương pháp cưỡng chế hành chính.

UBND các huyện, thị xã ven biển gồm Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà chủ động nắm tình hình và các đối tượng khai thác vùng ven bờ và vùng đầm phá của địa phương; cung cấp danh sách cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan để tuyên truyền, vận động, theo dõi hoạt động. Chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các đơn vị liên quan trong triển khai hoạt động cao điểm truy quét tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ, chống khai thác hủy diệt trên vùng đầm phá; tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận thức hành vi sai trái…

Đời sống ngư dân khó khăn nếu như tàu giã cào vẫn xuất hiện…

Trước đó, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường cũng từng phản ánh nhiều lần về tình trạng khai thác thủy sản gần bờ biển và vùng đầm phá bằng tàu giã cào ở Thừa Thiên Huế có chiều hướng gia tăng.

Được biết, Thanh tra Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế đã xử lý 46 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt trên 130 triệu đồng, trong đó có 2 tàu giã cào bị xử phạt 48 triệu đồng trong năm 2017. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã xử lý 26 trường hợp, số tiền xử phạt 78 triệu đồng, trong đó có 3 tàu giã cào ngoài tỉnh.

Tại cuộc họp về tình trạng khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào tại đầm phá và vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh vừa diễn ra giữa tháng 2 vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu ngành Nông nghiệp và các ngành, đơn vị chức năng theo nhiệm vụ và quyền hạn cần phải quyết liệt, đồng bộ, kiên trì để ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng này. Trong vùng đầm phá, phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị và địa phương để tăng cường công tác quản lý và phối hợp xử lý đối với các vụ việc vi phạm.

Ông Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu đối với các tàu vi phạm, phải xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật; tỉnh sẽ hỗ trợ nguồn lực để tăng cường tổ chức các đợt tuần tra cũng như truy bắt đối với những tàu vi phạm các quy định về khai thác thủy sản…

Văn Dinh

Theo TNMT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!