Cửa Tùng là vùng bãi biển trải dài gần 1 km nằm ở thôn An Đức, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Đây là một vịnh nhỏ ăn sâu vào chân dải đất đồi bazan chạy sát biển gọi là Bãi Lay. Nơi đây từng được các nhà du lịch quốc tế mệnh danh là “nữ hoàng của các bãi tắm”.
Vẻ đẹp thơ mộng
Từ cầu Hiền Lương, chiếc cầu nối đôi bờ Vĩnh Linh và Gio Linh, đi khoảng 10 km về phía đông bắc, ta có thể nhìn thấy bãi biển xinh đẹp này. Nó là một điểm nhấn đẹp đẽ và nên thơ trong cả một vùng cửa biển.
Vùng bờ biển miền Trung là nơi thường xảy ra những trận gió to, sóng lớn, bão tố, nhưng Cửa Tùng lại là nơi hiền hòa, kín gió, tàu thuyền đánh cá của ngư dân có thể neo đậu an toàn.
Bãi tắm Cửa Tùng không rộng và dài nhưng mang một vẻ đẹp rất riêng. Biển lặng, nước trong xanh và lúc nào cũng lộng gió. Ôm lấy bãi biển Cửa Tùng là dải đồi đất đỏ bazan với những dải đá kéo dài ăn sâu ra biển cùng với bãi cát mịn màng… Cửa Tùng như một bức tranh sinh động, thay đổi màu sắc từng giờ dưới ánh nắng mặt trời. Ban ngày, nước trong xanh, sóng gợn lăn tăn. Buổi chiều tà, từng đàn hải âu nhởn nhơ chao liệng đùa giỡn trên những làn sóng xanh thẫm. Đêm đến là thời gian của gió trời và nhạc biển du dương.
Bãi biển Cửa Tùng có bờ cát mịn, trắng phau, thoai thoải giữa làn nước xanh trong. Vào mùa hè, khi những cơn gió Lào mang hơi nóng hầm hập, khô rang thổi qua vùng đất nắng gió miền Trung, thì ở Cửa Tùng trở nên hấp dẫn với du khách. Có gì thích thú hơn khi ngâm mình trong làn nước mát, ngắm vẻ hoang sơ của biển, hít thở không khí trong lành, nô đùa cùng bè bạn, làm với đi những vất vả đời thường.
Dưới con mắt của người nước ngoài, Cửa Tùng được mệnh danh là Nữ hoàng của các bãi biển. Nơi đây còn có nhiều hải sản quý và ngon có tiếng như mực rang, tôm he, tôm hùm, cá chim… với cách chế biến món ăn rất đặc biệt của người dân địa phương.
Lưu dấu lịch sử
Xưa, Khâm sứ Trung kỳ Briere là người thích phong cảnh Cửa Tùng, khi đi hành hạt ở đây, ông đã cho xây dựng một nhà nghỉ mát của tòa khâm năm 1896. Năm 1907, vua Duy Tân lên ngôi. Vốn là một người không chịu tù túng trong cung cấm dưới sự khống chế của thực dân Pháp, vừa thích đi nhiều nơi, trong đó có đến Cửa Tùng. Người Pháp đã nhường nhà nghỉ của tòa khâm cho nhà vua ngự. Từ đó, nghỉ mát này có tên là nhà Thừa Lương Cửa Tùng.
Đến với bãi biển Cửa Tùng, du khách còn có thể lang thang trong vùng biển này để tìm ngôi nhà nghỉ mát xưa của vua Duy Tân. Ngoài ra, các nhà nghỉ mát cũ rải rác đó đây, vốn xưa là nhà nghỉ của các cố đạo và tu sĩ.
Những dấu ấn lịch sử không chỉ có vậy, Cửa Tùng còn là tâm điểm của đường chia giới tuyền quân sự: Vĩ tuyến 17 nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Và đằng xa, cách bờ biển hơn 30 km là đảo Cồn Cỏ anh hùng. Cách Cửa Tùng không xa là một loạt di tích lịch sử quan trọng như: Địa đạo Vĩnh Mốc, Cồn Tiên Dốc Miếu, cầu Hiền Lương…
Cửa Tùng là bảo vật của thiên nhiên ban tặng, là một điểm nhấn trong một không gian văn hóa du lịch nổi tiếng. Vẻ đẹp của Cửa Tùng không thua gì Sầm Sơn, Nha Trang hay Vũng Tàu, thế nhưng hiện nay, bãi biển Cửa Tùng bị bồi lấp, xói lở do một số công trình xây dựng thiếu nghiên cứu kỹ. Tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực để xử lý, trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho bãi tắm nổi tiếng này. Tuy nhiên, dự án đó vẫn dang dở và người ta đang lo ngại rằng nếu không nhanh, có lẽ, Cửa Tùng sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ du lịch biển Việt Nam.
>> Sông Bến Hải – cầu Hiền Lương; Địa đạo Vĩnh Mốc; bãi Cửa Tùng; rừng nguyên sinh Rú Lịch… tất cả tạo thành một quần thể di tích lôi cuốn khách du lịch trong và ngoài nước đến với mảnh đất Quảng Trị anh hùng. |