Sau hơn 2 năm vắng bóng, những tàu của Trung Quốc chuyên săn sò tai tượng quý hiếm đã xuất hiện ở bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong 6 tháng qua.
Tàu khai thác sò của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough – Ảnh: CSIS
Đi theo đoàn hàng chục tàu với một tàu mẹ cỡ lớn, những tàu săn sò tai tượng của Trung Quốc là nỗi ám ảnh với các rạn san hô của Biển Đông. Từ năm 2012 đến năm 2015, các hoạt động khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã phá hủy nặng ít nhất 28 rạn san hô trong khu vực.
Phương pháp điển hình của những kẻ săn trộm này là sử dụng các máy cào cỡ lớn để phá lớp san hô bên trên, cho phép nhấc những con sò tai tượng nằm dưới biển lên thuyền dễ dàng hơn.
Những con sò khổng lồ và quý hiếm có giá lên tới hàng ngàn đôla được đem trở về đảo Hải Nam, nơi phần vỏ của chúng sẽ xuất hiện trong các đồ trang sức đắt tiền.
Các hình ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho thấy các hoạt động đánh bắt sò tai tượng đã được xúc tiến trở lại từ cuối năm 2018.
Các hoạt động khai thác sò kiểu phá hoại của ngư dân Trung Quốc được đài truyền hình ABS-CBN của Philippines ghi lại hồi tháng 4-2019 – Ảnh chụp màn hình
Hoạt động khai thác mang tính phá hoại của tàu Trung Quốc trở nên thường xuyên từ cuối năm ngoái tại Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Những thiệt hại với rạn san hô tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa rõ ràng tới mức có thể nhìn thấy trên ảnh vệ tinh chụp tháng 11-2018.
Những đoàn tàu khai thác sò tai tượng cũng đã trở lại bãi cạn Scarborough, nơi bị Trung Quốc chiếm và kiểm soát trên thực tế từ Philippines kể từ năm 2012. Ngư dân Philippines luôn than phiền họ bị tàu Trung Quốc xua đuổi khi cố gắng tiến vào “ngư trường truyền thống”.
Các rạn san hô tại Scarborough đã bị tổn thương nặng bởi hoạt động khai thác sò của các ghe cào Trung Quốc vào cuối năm 2016. Những hình ảnh của CSIS cho thấy sự trở lại ồ ạt của những đoàn tàu phá hoại này từ tháng 12-2018 với phương pháp khai thác mới.
Hạn chế của phương pháp cào kiểu cũ là không thể hoạt động tại những vùng nước sâu. Để vượt qua điều này, người Trung Quốc nghĩ ra cách đưa một máy bơm áp lực cao và ống xuống lòng biển. Sức mạnh của máy bơm khiến lớp trầm tích lẫn san hô bị thổi bay, lộ ra những con sò quý giá.
Chính quyền Trung Quốc dường như biết rõ hành vi phá hoại này nhưng vẫn làm ngơ. Một chuyến công tác của đài ABS-CBN (Philippines) hồi tháng 4-2019 đã quay được cảnh ngư dân Trung Quốc khai thác kiểu tận diệt và phá hoại môi trường ở Scarborough.
Các tàu công vụ Trung Quốc xuất hiện, lượn lờ gần đó và không có bất kỳ dấu hiệu ngăn cản các tàu cá Trung Quốc.
Hôm 7-4, một nhóm các tàu khai thác sò Trung Quốc cũng xuất hiện tại Đá An Nhơn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. CSIS nói chưa có đủ bằng chứng cho thấy hoạt động khai thác sò kiểu phá hoại tại quần đảo Trường Sa.
Bảo Duy
Theo Báo Tuổi Trẻ