Ngoại trưởng Philippines Teodoro L. Locsin Jr. nói ở trụ sở Liên Hiệp Quốc: ‘Chúng tôi mãi mãi cảm kích và mãi mãi mắc nợ đối tác chiến lược Việt Nam vì nghĩa cử nhân đạo và hợp lẽ này’.
Tối 17-6, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York (Mỹ), Ngoại trưởng Philippines Teodoro L. Locsin Jr. không tiếc lời cảm ơn những ngư dân Việt Nam đã cứu 22 ngư dân của họ khi bị tàu Trung Quốc đâm, nhân sự kiện Hội nghị lần thứ 29 các quốc gia thành viên UNCLOS 1982.
Ngoại trưởng Teodoro L. Locsin Jr. cho rằng: “Chúng tôi mãi mãi cảm kích và mãi mãi mắc nợ đối tác chiến lược Việt Nam vì nghĩa cử nhân đạo và hợp lẽ này”.
Bỏ qua những lời lẽ ngoại giao xa xôi, trở về với những ngư dân ăn sóng nói gió, can trường và đầy nghĩa khí thì việc bỏ biển cứu người là chuyện như… cơm bữa.
Tháng 2-2018, thuyền trưởng Trần Văn Cư, điều khiển con tàu Đna-90777 ở Đà Nẵng chạy 400 hải lý, ròng rã 4 ngày trời xuống vùng biển Trường Sa để cứu 12 ngư dân gặp nạn.
Phí tổn cho chuyến ra khơi 300 triệu đồng cùng hàng đống nợ nần sau chuyến đi anh em phải chia nhau chịu. Trước đó ông Cư cũng bỏ ngang chuyến biển để kéo con tàu Đna-90749 với 49 ngư dân bị nạn cách đất liền gần 600 hải lý.
Hai lần bỏ ngang chuyến đi biển để cứu người, khoản nợ cần thanh toán lên đến nửa tỉ đồng, nhưng ông Cư vẫn cười hiền: “Là con người với nhau, bỏ nhau sao đặng”.
Quyết định bỏ chuyến đi biển để cứu người là quyết định ôm nợ vào bản thân, gia đình nhưng không một ngư dân nào trên tàu than vãn hay trách móc thuyền trưởng, nó dường như là mệnh lệnh từ sâu thẳm trái tim mỗi người.
Những ngư dân nghèo thừa biết rằng sau mỗi chuyến bỏ biển là chật vật với áo cơm, nhưng vì sinh mạng con người là trên hết mà không ai có thể quay lưng với lời cầu cứu lúc tuyệt vọng.
Biển cả mênh mông nhưng tình người rộng hơn gấp bội. Những ngư dân Việt không chỉ cứu người Việt gặp nạn mà gặp bất kỳ tàu nào, không phân biệt quốc tịch, khi gặp sự cố đều được các ngư dân cứu vớt.
Ngư dân Dương Hưởng ở đảo Lý Sơn, người đàn ông trường kỳ với sóng gió Hoàng Sa, kể rằng ông từng 2 lần bị Trung Quốc bắt và nhốt ở đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa – Việt Nam). Thế nhưng khi ngư dân Trung Quốc gặp nạn ông vẫn cứu vớt. “Ngư dân với nhau, họ cũng là con người, trước mắt là cứu nhau cái đã, việc gì ra việc đó!” – ông Hưởng vẫn nói hào sảng.
Cái nghĩa, cái tình giúp nhau trên biển khi gặp hoạn nạn đã trở thành cốt cách trong suốt chiều dài lịch sử, được đúc kết bằng những hành động cụ thể trong mỗi người dân Việt như ông Cư, ông Hưởng… “Cứu một mạng người hơn xây 7 tháp phù đồ” – chuyện giúp nhau như thế trong dân ta xưa nay không hiếm.
Tấn Vũ
Theo Báo Tuổi trẻ