Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020; tại đây, nhiều vấn đề đã được bàn luận nhằm mục tiêu nâng chất lượng nguồn giống, giúp sản xuất phát triển hơn.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 diễn ra tại Hà Nội
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và các địa phương cả nước, Đề án đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong tăng trưởng ngành, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Một số mặt nổi bật chính là: Hệ thống nguồn gen tiếp tục được duy trì, lưu giữ và đánh giá; Nhiều giống mới được chọn tạo hoặc nhập nội với ưu thế vượt trội, từ năm 2010 đến nay đã công nhận 685 giống cây trồng, 26 dồng/tổ hợp lai vật nuôi và 13 giống thủy sản sản; Một số lượng giống gốc được nhân cấp phục vụ sản xuất đại trà, như với thủy sản, hàng năm các cơ sở đã sản xuất khoảng 40 tỷ tôm giống sú, 100 tỷ giống TTCT, 20 tỷ giống nhuyễn thể, 50 tỷ giống cá nước ngọt…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, công tác về giống vẫn còn nhiều hạn chế, như chưa có sự cân đối giữa khu vực chính phủ và tư nhân; chuyển hướng thị trường còn chậm; vai trò của doanh nghiệp chưa được coi trọng; chưa có sự đột phá vào những nhóm sản phẩm chính; đầu tư nhỏ giọt, chưa hiệu quả; tính chủ động, chuyển giao trong sản xuất giống chưa cao… Do đó, cần nhận diện lại tình hình, những vấn đề làm được và chưa làm được của công tác giống; cùng đó, cần có sự đồng hành của nhà nước, doanh nghiệp, người dân để công tác sản xuất giống trong nông nghiệp thu được những kết quả tích cực hơn nữa.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện một số địa phương cho biết, Đề án đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác sản xuất giống nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, giúp sản xuất phát triển; tuy nhiên, thời gian tới, cần tháo gỡ khó khăn về sự liên kết trong sản xuất giống, việc kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và cần đầu tư cho các đơn vị có đủ điều kiện cung ứng nguồn giống chất lượng. Bên cạnh đó, cần phân định rõ nhiệm vụ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, viện, trường, doanh nghệp, hiệp hội trong nghiên cứu, lai tạo, sản xuất và chuyển giao nguồn giống…
Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Đề án phát triển giống nông nghiệp giai đoạn mới (2021 – 2030), mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà, nhằm tạo đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống; thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giống…