Đây là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo “Shallow returns?”, được phát hành bởi FAIRR – một mạng lưới được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư quản lý hơn 12.000 tỷ USD tài sản, bao gồm Aviva Investors, CANDRIAM, DNB Asset Management và KLP.
Tăng trưởng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản toàn cầu trị giá 232 tỷ USD
Một báo cáo mới cho các nhà đầu tư cảnh báo rằng, tăng trưởng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản toàn cầu trị giá 232 tỷ USD có thể bị suy giảm do không quản lý được các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Các rủi ro bao gồm biến đổi khí hậu, sự phụ thuộc vào nguồn cá tự nhiên để làm thức ăn, sử dụng quá nhiều kháng sinh và quản trị kém. Báo cáo cũng nhấn mạnh các cơ hội đầu tư đang gia tăng trong các lĩnh vực như cải thiện sức khỏe cá và thức ăn thay thế.
Mặc dù mức tăng trưởng trung bình hàng năm của ngành nuôi trồng thủy sản là gần 6%, báo cáo cảnh báo rằng, phần lớn sự tăng trưởng dựa trên nuôi trồng mật độ cao, thâm canh nhiều hơn có liên quan đến các rủi ro ESG sau đây:
Biến đổi khí hậu: Ngành nuôi trồng thủy sản vừa góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu, vừa chịu tác động cao của nó. Điều này dẫn đến dự đoán, sản lượng cá biển ở Đông Nam Á sẽ giảm tới 30% vào năm 2050 do nhiệt độ nước biển tăng và axit hóa đại dương.
Sự bùng phát của tảo: Na Uy hiện đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng tảo nở hoa tồi tệ nhất trong 30 năm qua, tính đến nay đã khiến khoảng 8 triệu con cá hồi bị chết; trong khi năm 2016, tảo gây hại gây thiệt hại ước tính 800 triệu USD cho ngành công nghiệp cá hồi Chilê khi khiến gần 27 triệu con cá hồi bị chết – khoảng 20% sản lượng cá hồi của Chilê năm đó.
Kháng sinh: Tại một số khu vực, các công ty nuôi trồng thủy sản phụ thuộc vào việc sử dụng quá nhiều kháng sinh để duy trì sản xuất, khiến ngành này phải đối mặt với những nỗ lực toàn cầu để chống lại tình trạng kháng kháng sinh.
Nguồn cung thức ăn cho cá: Ngành cá hồi và tôm phụ thuộc nhiều vào nguồn cá tự nhiện đang cạn kiệt nhanh chóng cho sự tăng trưởng trong tương lai. Nỗ lực tăng gấp đôi sản lượng nuôi trồng thủy sản vào năm 2050 để đáp ứng nhu cầu toàn cầu sẽ gây áp lực đáng kể lên trữ lượng thủy sản toàn cầu.
Quản trị: Vụ kiện tháng trước cáo buộc những công ty lớn trong ngành công nghiệp cá hồi nuôi của Na Uy về việc ấn định giá là dấu hiệu lớn hơn của sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực này.
Các rủi ro khác được báo cáo bao gồm dịch bệnh; minh bạch và gian lận thực phẩm; nước thải và chất thải từ các hệ thống sản xuất nuôi trồng thủy sản sang môi trường ngày một nhiều hơn; hàng triệu con cá thoát khỏi trang trại và lẫn vào quần thể sinh vật biển bản địa; và cuộc chiến tăng cường chống lại bệnh cá như rận biển.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, dịch bệnh gây thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản hơn 6 tỷ USD mỗi năm. Tại Chilê, một đợt bùng phát bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở cá hồi (ISA) đã khiến ngành này thiệt hại 2 tỷ USD và 20.000 nhân công thất nghiệp. Ở Na Uy, ước tính các trang trại cá hồi mất khoảng 9% doanh thu mỗi vụ do chi phí liên quan đến rận biển.
Minh bạch và gian lận thực phẩm cũng là một vấn đề lớn đối với hàng hóa thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Cụ thể, các loài có giá trị thấp hơn có thể được biến thành giá trị cao hơn. Một nghiên cứu ở Canada cho thấy, khoảng 32% cá được bán ở nước này bị dán nhãn sai và một nghiên cứu khác tìm thấy tỷ lệ dán nhãn sai tương tự ở Mỹ.
Maria Lettini, Giám đốc FAIRR cho biết: Các nhà đầu tư nên nhận thức được các rủi ro bền vững trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trước khi họ dấn vào quá sâu. Từ nước thải đến khí thải, lĩnh vực này phải giải quyết các thách thức đáng kể về môi trường và sức khỏe cộng đồng nếu muốn phát triển lâu dài. Cần có những bước rõ ràng được thực hiện để quản lý những rủi ro này. Ví dụ, hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được chứng nhận theo các tiêu chuẩn toàn cầu đáp ứng các hướng dẫn của FAO. Thị trường cũng nên xem xét việc nuôi nhiều loài hơn để loại bỏ ô nhiễm biển hơn là làm nó thêm trầm trọng – chẳng hạn như trai và hàu. Ngoài ra, nuôi các loài này mang lại mối quan tâm phúc lợi động vật tối thiểu và không cần thức ăn dựa vào bột cá.
“Các nhà đầu tư đã và đang theo dõi ngành nuôi trồng thủy sản với sự quan tâm ngày một tăng và đang theo sát sự phát triển của những đổi mới có khả năng thay đổi cuộc chơi như hệ thống sản xuất tiên tiến và các thành phần thức ăn thay thế. Những đổi mới này có thể phá vỡ ngành nuôi trồng thủy sản nếu thành công trong việc giải quyết các thách thức bền vững quan trọng của ngành. Báo cáo này được ra mắt đúng vào Ngày Môi trường thế giới vì ít nhà đầu tư nhận ra sự góp phần của nuôi trồng thủy sản đối với biến đổi khí hậu, cũng như các mối đe dọa mà ngành này phải đối mặt do tác động của khí hậu như nhiệt độ nước biển tăng”, Maria Lettini nói thêm.
Báo cáo cũng cho biết, những rủi ro dài hạn của ngành nuôi trồng thủy sản liên quan đến thức ăn cho cá, điều kiện lao động và phúc lợi động vật. Rủi ro trung hạn được coi là sức đề kháng của cộng đồng, khí thải nhà kính, phá hủy môi trường sống và mất đa dạng sinh học. |