Theo kế hoạch, ngày 30/6 tới đây, tại Hà Nội, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) sẽ chính thức được ký kết. Đây thực sự là tin vui cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp thủy sản.
Cơ hội cho Việt Nam
EVFTA được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Ngay sau khi thông tin về việc hai hiệp định trên được thông qua, cổ phiếu của hàng loạt “ông lớn” ngành thủy sản đã có nhiều biến động, với sự tăng bậc cao như: VHC của Công ty CP Vĩnh Hoàn tăng 1.500 đồng lên 87.500 đồng/cổ phiếu; MPC của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tăng 1.000 đồng lên 33.300 đồng; ANV của Nam Việt tăng 1.200 đồng lên 27.300 đồng. FMC, ACL, CMX cũng tăng giá…
Cạnh tranh bằng chất lượng
Theo các chuyên gia, bên cạnh những lợi ích, Hiệp định này cũng có thể tạo ra một số thách thức nhất định đối với nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép này sẽ không lớn. Tiếp đó, Hiệp định EVFTA cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững…
Chính vì vậy, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Mặt khác, để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn động thực vật của EU.
Tại Hội nghị Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do được Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, tổng GDP của thị trường CPTPP và EVFTA là hơn 30% GDP toàn cầu; tổng giao dịch thương mại khoảng 35% toàn cầu. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không nỗ lực thì Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội ngay trên “sân nhà”. Do đó, phải trang bị kiến thức tốt nhất, chủ động nhất để khai thác cho được lợi thế tiềm năng mà các hiệp định thương mại tự do mới nhất đưa ra. Khi làm được điều đó thì chúng ta hội nhập mới thành công, mới trưởng thành trong mô hình phát triển kinh tế đất nước.