Chuyển biến tích cực từ đề án giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Đề án phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ sau 10 năm đã mang lại hiệu quả rất tích cực, nhất là trong công tác sản xuất, lai tạo chuyển giao giống. Tuy nhiên, vẫn cần những cú hích mới để tạo sự đột phá hơn nữa.


Công tác về giống vẫn còn nhiều hạn chế

Thành quả khả quan

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được nhiều kết quả, nổi bật là: Hệ thống nguồn gen tiếp tục được duy trì, lưu giữ và đánh giá; Nhiều giống mới được chọn tạo hoặc nhập nội với ưu thế vượt trội; Một số lượng giống gốc được nhân cấp phục vụ sản xuất đại trà, như với thủy sản, hàng năm các cơ sở đã sản xuất khoảng 40 tỷ tôm giống sú, 100 tỷ giống TTCT, 20 tỷ giống nhuyễn thể, 50 tỷ giống cá nước ngọt…

Với lĩnh vực thủy sản, quá trình thực hiện Đề án, các viện, trường đã thực hiện nhiều dự án mang lại kết quả tốt; điển hình như Viện Nghiên cứu Hải sản đã triển khai một số dự án trong đó nổi bật là hoàn thiện và chuyển giao công nghệ sinh sản và nuôi thương phẩm bào ngư 9 lỗ kết đã thu được những kết quả nhất định trong việc thuần hóa tạo đàn bào ngư bố mẹ, nghiên cứu hoàn thiện và làm chủ công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi thương phẩm, nghiên cứu thành công 2 công thức thức ăn viên dành cho bào ngư giống và bào ngư thương phẩm từ nguồn nguyên liệu là các loài vi tảo và rong biển. Cùng đó, từ năm 2013 đến nay, Viện đã và đang thực hiện chuyển giao cho các trạm, trại cũng như các cơ sở sản xuất giống; từ đó góp phần bảo tồn và phát triển đối tượng nuôi đặc hữu này, bù đắp nguồn lợi khai thác từ tự nhiên bị giảm sút.

Còn Viện Nghiên cứu NTTS I hàng năm đã thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về giống, chuyển giao khoa học công nghệ, phát tán giống chất lượng cao ra thị trường. Gần đây, các nghiên cứu của Viện tập trung vào các đối tượng thủy sản như cá rô phi, các nước lạnh, tôm, nghêu, cá biển… đây là những đối tượng có ưu thế, có thị trường tiềm năng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, công tác về giống vẫn còn nhiều hạn chế, như chưa có sự cân đối giữa khu vực chính phủ và tư nhân; chuyển hướng thị trường còn chậm; vai trò của doanh nghiệp chưa được coi trọng; chưa có sự đột phá vào những nhóm sản phẩm chính… Do đó, cần nhận diện lại tình hình, những vấn đề làm được và chưa làm được của công tác giống; cùng đó, cần có sự đồng hành của nhà nước, doanh nghiệp, người dân để công tác sản xuất giống trong nông nghiệp thu được những kết quả tích cực hơn nữa.

Cần phân định rõ ràng

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án phát triển giống của Chính phủ, đại diện một số địa phương cho biết, Đề án đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác sản xuất giống nông nghiệp, tuy nhiên, thời gian tới, cần tháo gỡ khó khăn về sự liên kết trong sản xuất giống, việc kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và cần đầu tư cho các đơn vị có đủ điều kiện cung ứng nguồn giống chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II cho biết, để có nguồn giống hạt nhân, giống tốt, Bộ NN&PTNT cần quan tâm đến công tác sản xuất giống các đối tượng đặc thù. Cùng đó, cần tiếp tục thực hiện chương trình giống trong thời gian tới, tập trung vào một số nội dung như: Cơ sở nghiên cứu đầu tư trung tâm vùng, sản xuất các giống thủy sản đã qua chọn lọc, xây dựng mô hình sản xuất giống, ứng dụng công nghệ cao; quy trình quản lý giống bài bản hơn, tạo hiệu quả trong liên kết sản xuất cao hơn nữa.

Ngoài ra, theo ý kiến của các địa phương, cần phân định rõ tránh chồng chéo giữa trung ương, địa phương và các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác xã hội hóa về giống, trong đó, ưu tiên tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có tiềm lực. Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác kiểm tra và công nhận giống để đảm bảo chất lượng con giống cung cấp ra thị trường, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành Đề án phát triển giống nông nghiệp giai đoạn mới (2021 – 2030), mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà, nhằm tạo đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm…

An Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!