Mấy năm gần đây ngư dân, ở các huyện đảo như Phú Quốc, Kiên Lương và Kiên Hải khá giả lên, đa số bà con đều sống bằng nghề nuôi cá bớp tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có gần 3.000 lồng bè nuôi cá các loại trên biển thu hoạch đạt sản lượng trên 1.400 tấn chủ yếu thả nuôi các loại cá mú, cá bớp tập trung chủ yếu trên vùng biển Phú Quốc và đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải. Mô hình nuôi cá bớp trong lồng bè trên biển được người dân chọn nuôi nhiều nhất so với các loại khác như cá bóng mú, bóng cọp, bóng sao và chim trắng… Để không bị động nguồn con giống nhất là cá bớp người dân đã sử dụng con giống sinh sản nhân tạo, đa phần nuôi đã đem lại hiệu quả cao.
Anh Phan Văn Lưu, ở ấp An Cư, xã An Sơn, huyện Kiên Hải đầu tư 9 lồng bè nuôi cá bớp khoảng 1.400 con. Cá bớp nuôi trong vòng 9 – 10 tháng đạt trọng lượng 6 – 8 kg/con. 9 bè nuôi cá bớp (khoảng 15 m2/bè) của gia đình anh Lưu mỗi năm cho thu nhập 250 – 300 triệu đồng. Thức ăn của cá bớp chủ yếu là các loại cá con, cá tạp được đánh bắt ngoài thiên nhiên. Để cá bớp nuôi cho năng suất cao, yếu tố quan trọng là nguồn con giống phải khỏe, giúp cá ít bệnh và nuôi mau lớn. Hiện cá bớp giống được bán giá 200.000 – 220.000 đồng/con; tuy nhiên hiện nay do nghề nuôi cá bớp phát triển mạnh nên giá cá bán tại bè cho thương lái từ 140.000 – 160.000 đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ); giá cá xuất sang thị trường Trung Quốc có thời điểm đạt khoảng trên 200.000 đồng/kg.
Ngành nông nghiệp Kiên Giang đang đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi cá biển công nghiệp sẽ tạo điều kiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biển.
Ngọc Trinh