Nghề khai thác thủy sản đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cho ngư dân ven biển trên địa bàn tỉnh và từng bước góp phần cải thiện đời sống cho họ.
Chi cục Thủy sản phối hợp cùng Phòng Tư pháp Cẩm Phả, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cẩm Phả tuyên truyền Luật Thủy sản, các vấn đề về biển đảo cho ngư dân khu vực đảo Ông Cụ, hòn Bọ Cắn, phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả). Ảnh: Đăng Triệu (CTV)
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 25.000 lao động tham gia khai thác thuỷ sản trên biển. Tuy nhiên, bên cạnh khai thác truyền thống thì vẫn không có ít trường hợp vi phạm nghề cấm, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lợi thủy sản. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản.
Quảng Ninh có bờ biển dài 250km; đường biên giới sông, biển giáp với Trung Quốc dài 110km; đường thủy nội địa (ĐTNĐ) dài 799,9km, tập trung nhiều phương tiện, đa dạng về chủng loại tham gia giao thông. Tổng số tàu khai thác thủy sản của tỉnh hiện có 8.460 chiếc; trong đó số tàu thuyền dưới 12m là 6.848 chiếc, từ 12m -15m 1.311 chiếc, từ 15m trở lên 258m. Nghề khai thác thủy sản của tỉnh chủ yếu là tầu thuyền có công suất nhỏ; hoạt động với nhiều nghề khai thác khác nhau, đa dạng về chủng loại, loại hình, phương thức khai thác trong đó có các nghề chủ yếu như: Chài chụp, lưới rê, lưới kéo, câu, nghề lồng bẫy, te xiệp…
Trong những năm qua, cường độ khai thác thủy sản ở vùng biển Quảng Ninh ở mức rất cao, nhưng hoạt động đánh bắt của đội tàu cá vẫn chủ yếu ở vùng ven bờ, vùng lộng. Tình trạng cạnh tranh khai thác thủy sản giữa các cộng đồng ngư dân và các nghề khác nhau ngày càng cao. Tình trạng ngư dân sử dụng một số phương pháp, nghề khai thác có tác động tiêu cực đến nguồn lợi thuỷ sản vẫn còn và diễn biến phức tạp như: Sử dụng thiết bị xung điện, chất nổ, hóa chất; các ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác hải sản dẫn đến nguy cơ suy giảm nguồn lợi thuỷ sản.
Bên cạnh đó, do địa hình nên tình hình an ninh trật tự trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đánh bắt thủy sản trên tuyến đường thủy nội địa phức tạp, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, gây mất trật tự an toàn giao thông như: Số phương tiện nhỏ, công suất máy thấp đánh bắt thủy sản không có đăng ký, đăng kiểm; trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện không đầy đủ; vẫn còn nhiều người làm việc trên phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn…
Trước tình hình đó, ngày 1/9/2017, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ra Chỉ thị số 18-CT/TU về việc tăng cường công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo tất cả các ngành, các cấp từ tỉnh xuống tới xã, phường kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản, trong đó các lực lượng như Chi cục thủy sản, Biên Phòng, Công an làm lòng cốt. Để thực hiện, các đơn vị đã chủ động phối hợp với nhau trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Nhờ vậy, việc ngư dân sử dụng các nghề cấm như lồng bát quái, kích điện để khai thác thủy sản đã giảm nhiều.
Đơn cử như Chi cục Thủy sản và Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) đã quan tâm chỉ đạo các đội tuần tra, kiểm soát trên biển thường xuyên phối hợp thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản, đặc biệt là các hành vi vi phạm về sử dụng xung điện, chất nổ và chất độc để khai thác thủy sản. Đặc biệt từ khi Chỉ thị số 18-CT/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành, ngoài công tác chuyên môn của mỗi lực lượng, hàng năm hai lực lượng đã tổ chức hàng chục lượt tuần tra, kiểm soát trên biển; tuyên truyền, phát tờ rơi các loại cho hàng ngàn lượt chủ tàu khai thác thủy sản trên biển.
Qua đó, năm 2018 và 7 tháng năm 2019, hai lực lượng này đã xử phạt 221 vụ vi phạm trong khai thác thủy sản, thu nộp trên 250 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 28 dụng cụ cào ngao, 19 bộ kích điện, 1 bộ quần áo lặn, 1 máy nén khí, 900m dây điện. Các đơn vị xây dựng 5 phóng sự, 11 bản tin bài về an ninh trật tự trên tuyến đường thủy nội địa. Tuyên truyền trực tiếp và phát trên 7.500 tờ rơi các loại như Luật thủy sản, Luật giao thông đường thủy nội địa và các văn bản QPPL về thủy sản, 6.500 tờ rơi thông báo các điểm tránh trú bão, phát 850 chiếc phao cho ngư dân… Nhờ đó, nhận thức của ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã có chuyển biến. Tình hình an ninh trật tự trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đánh bắt thủy sản trên tuyến đường thủy nội địa đã dần ổn định hơn.
Trần Thanh
Theo Báo Quảng Ninh