Bão số 5 sẽ ảnh hưởng tới đất liền, trọng tâm là các tỉnh Nam Trung Bộ và có nguy cơ gây mưa to, ngập lụt trên diện rộng. Các địa phương đã và đang tích cực triển khai các biện pháp để sẵn sàng ứng phó.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến 16 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão số 5 ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi – Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 – 90 km/giờ), giật cấp 11. Hiện nay, các tỉnh Nam Trung Bộ đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 5 nhằm hạn chế thiệt hại khi cơn bão đổ bộ vào đất liền.
Theo dự báo, từ ngày 30 và 31/10, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa rất to với tổng lượng mưa 300 đến 400 mm/đợt, riêng Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa 400 đến 600 mm/đợt. Từ ngày 4 đến 5/11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.
Các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên các sông từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Ðịnh, Khánh Hòa lên mức báo động (BÐ) 2 – BÐ 3, có sông trên BÐ 3; trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên lên mức BÐ 1- BÐ 2, có sông trên BÐ 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao ở vùng núi các tỉnh trên.
Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 – 9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4 – 7 m; biển động rất mạnh.
Ban chỉ huy PCTT & TKCN Bình Định và Quảng Ngãi: Yêu cầu các địa phương thông báo kịp thời cho chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới, chủ động phòng tránh.
Cơ quan chức năng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi trong điều kiện thời tiết nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu; sẵn sàng di dời dân ở các khu vực thấp trũng có nguy cơ ngập do triều cường kết hợp với nước biển dâng do bão. Các trường học chủ động cho học sinh nghỉ học khi xảy ra mưa lũ lớn.
Tại Khánh Hòa: Lãnh đạo TP. Nha Trang tổ chức cuộc họp chỉ đạo các địa phương và đơn vị liên quan khẩn trương, cương quyết di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm, xung yếu, thường xảy ra sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn, việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 30/10; chủ động thực hiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.
Thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện toàn tỉnh có 9.797 tàu cá với khoảng 33.000 lao động. Các tàu cá hoạt động trên các vùng biển đã nắm thông tin về ATNĐ và chủ động có kế hoạch phòng tránh an toàn.
Hiện có 142 tàu cá với gần 1.500 lao động đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển chủ yếu ven Khánh Hòa (64 tàu), Trường Sa (47 tàu)… Toàn tỉnh có gần 2.000 bè nuôi thủy sản với gần 2.800 lao động đã và đang được thông báo di dời, gia cố.
Các ngư dân Phú Yên cùng nhau giằng neo lại tàu thuyền trước khi bão vào bờ. Ảnh: Anh Ngọc
Tất cả chủ các phương tiện trên đều nhận được thông tin về tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão trên biển Đông và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, thường xuyên liên lạc với gia đình và BĐBP.
Phú Yên: Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến chiều 29/10, toàn tỉnh có 345 tàu cá/1.924 lao động trên các vùng biển, trong đó 232 tàu trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, DK1; 113 tàu hoạt động gần bờ trên vùng biển các tỉnh từ Bình Ðịnh đến Ninh Thuận. Tất cả các chủ tàu trên đều đã nhận được thông tin và chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 50 hồ chứa nước thủy lợi, trong đó có ba hồ thủy lợi với dung tích hơn 10 triệu m3 là hồ Phú Xuân, Suối Vực và Ðồng Tròn. Mực nước các hồ này đến ngày 29-10 phổ biến từ 30-40% so với thiết kế… Ban Chỉ huy PCLB các cấp đã chỉ đạo các chủ hồ cắt cử lực lượng ứng trực 100% để bảo đảm công tác điều tiết nước an toàn.
Quảng Ngãi: Tại huyện Bình Sơn ( vẫn còn nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình trạng bồi tụ phía bờ nam và sạt lở bờ bắc của sông Trà Bồng đoạn qua địa bàn xã Bình Minh diễn ra ngày càng nhiều, còn hơn 400 m ven sông Trà Bồng, thuộc khu vực thôn Tân Phước cần được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở.
Thừa Thiên – Huế: UBND huyện Quảng Ðiền cho biết, hiện nay tuyến đê tây phá Tam Giang bị hư hỏng nhiều đoạn; với 2,6 tỷ đồng được tỉnh hỗ trợ chỉ mới sửa chữa, khắc phục một số đoạn qua xã Quảng An. Hệ thống trạm bơm Bàu Ban tại xã Quảng An được xây dựng từ 20 năm trước cũng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu úng cho hàng trăm héc-ta sản xuất nông nghiệp.
Mai Đỉnh
Theo Công Lý