Nhằm lắng nghe chia sẻ về hiện trạng sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, những bất cập khi thực hiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó có những kiến nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn; sáng nay, tại Hà Nội, Trung trương Hội Nghề cá Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Hiện trạng và giải pháp quản lý thức ăn thủy sản”; với sự tham dự của đông đảo các đại biểu, đại diện cho các đơn vị quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Theo báo cáo của TS Nguyễn Viết Đôn, Viện Chăn nuôi, tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam năm 2019 là hơn 30 triệu tấn, trong đó, thức ăn thủy sản là 6,8 triệu tấn, thức ăn chăn nuôi là 24 triệu tấn. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp tập trung lớn nhất tại Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ; với tốc độ tăng trưởng tăng 8,3%/năm đưa Việt Nam là nước sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nhiều nhất trong khối ASEAN. Cùng đó, công nghệ sản xuất không ngừng được cải tiến và hiện đại hóa; trên 85% lượng thức ăn đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn cho vật nuôi.
Về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản, như chia sẻ của ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tại Luật Thủy sản năm 2017 đã quy định chi tiết về việc quản lý sản xuất thức ăn thủy sản thông qua Nghị định 26 và Thông tư 07,08; cùng đó, Tổng cục Thủy sản cũng đang xây dựng phần mềm mã số hóa để quản lý sản phẩm thức ăn thủy sản lưu hành trên thị trường; theo đó các sản phẩm thức ăn của các doanh nghiệp phải có công bố hợp quy, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn áp dụng. Mặt khác, việc quản lý thức ăn thủy sản đã có nhiều thay đổi, mức xử phạt tăng cao và nghiêm ngặt hơn.
Các đại biểu và chuyên gia tại Hội thảo cũng chia sẻ những thông tin về tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản cũng như bất cập hiện nay mà các doanh nghiệp đang gặp phải. TS Nguyễn Duy Hòa, Chuyên gia tư vấn thức ăn thủy sản, đã đưa ra một số những kiến nghị để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn như về phương pháp triển khai, khảo nghiệm sản phẩm, thời gian kiểm nghiệm sản phẩm, mã số cho các sản phẩm. Chuyên gia thủy sản TS Nguyễn Văn Tiến cũng chỉ ra 10 thách thức trong sản xuất thức ăn thủy sản như: sự đa dạng về đối tượng, tập tính ăn; dữ liệu về nhu cầu dinh dưỡng theo loài, giai đoạn, hệ thống nuôi và chọn giống; bột cá, dầu cá trong thức ăn; nguyên liệu tăng cao phụ thuộc vào nhập khẩu; ô nhiễm bởi nấm mốc, độc tố nấm và vi sinh vật gây hại; tạp chất và chất cấm trong thức ăn thủy sản…
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, hiện nay, trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, các doanh nghiệp cũng đang gặp những khó khăn nhất định trong việc tuân thủ các quy định. Chính vì vậy, Hội thảo là dịp để lắng nghe những khó khăn bất cập này, có sự phản hồi với cơ quan quản lý Nhà nước; từ đó tổng hợp các góp ý và có kiến nghị cần thiết với Bộ NN&PTNT cũng như các đơn vị liên quan để tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn; giúp ngành thức ăn thủy sản Việt Nam ngày một phát triển.