Khu vực Bắc Trung bộ được đánh giá nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt về thủy sản. Tuy nhiên, hiện vùng này vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, nhất là sức hút doanh nghiệp còn hạn chế. Cần có thêm những giải pháp hữu hiệu hơn nữa để tạo đà bứt phá kinh tế miền Trung.
Tiềm năng thủy sản
Vùng biển Bắc Trung bộ có nhiều loài hải sản di cư, phân bố ở cả tầng nổi và tầng đáy, nhiều nhất là ruốc, tôm, cua, ghẹ, các loại sò, cá mực… Hằng năm, ngư dân vùng bãi ngang khai thác, sản xuất với sản lượng đánh bắt ngày càng tăng. Về nuôi trồng thủy sản, theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, toàn vùng có thể phát triển nuôi gần 163.900 ha diện tích nuôi thủy sản, trong đó nuôi nước ngọt gần 115.600 ha và mặn, lợ là hơn 48.300 ha; hàng chục triệu ha mặt nước hồ chứa chưa được khai thác, với 1.947 hồ.
Mô hình nuôi hàu tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh – Ảnh: Nguyễn Hoàn
Ngoài ra, Bắc Trung bộ còn là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, với nhiều bãi biển đẹp. Theo Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng biển Bắc Trung bộ với mục tiêu đến năm 2020 có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, với các hoạt động kinh tế – văn hóa biển; phấn đấu ngành du lịch và các khu du lịch của vùng đạt trình độ cao, đồng thời là một trong những cửa ngõ ra biển, làm đầu mối giao lưu quan trọng của cả nước.
Tuy nhiên, khu vực này hiện chưa khai thác hết thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực thủy sản; như chia sẻ của ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản tại Diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ” do VCCI tổ chức mới đây; hiện, sản lượng thủy sản vùng Bắc Trung bộ chỉ chiếm 1 – 3% tổng sản lượng hơn 4 triệu tấn thủy sản nuôi của cả nước; số lượng tàu khai thác chủ yếu là tàu khai thác gần bờ. Việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng và thu hút doanh nghiệp đầu tư vẫn còn rất hạn chế.
Tạo đà phát triển mới
Thủy sản là một trong những thế mạnh của các địa phương khu vực Bắc Trung bộ. Để khơi dậy tiềm năng thủy sản, ông Trần Đình Luân cho rằng mục tiêu mà các tỉnh Bắc Trung bộ hướng tới là cần ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, khai thác thủy sản. Điển hình như mô hình nuôi tôm trên cát, tuy nhiên, để tránh phát triển nóng, rất cần hướng đến việc hình thành vùng an toàn sinh học mang tính liên kết cao, quy mô lớn với diện tích khoảng 15 – 20 ha như đã được triển khai tại tỉnh Hà Tĩnh. Cùng với đó, phát triển kinh tế biển, rất cần sự dẫn dắt của doanh nghiệp với việc ứng dụng khoa học công nghệ. Tổng cục Thủy sản đang trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch về kinh tế biển giai đoạn 2020 – 2045, trong đó, tăng cường khai thác tiềm năng biển bằng nuôi biển; thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi khơi, các địa phương khu vực này cần có cơ chế hỗ trợ chuyển từ khai thác biển sang nuôi biển, giảm áp lực hoạt động khai thác; gắn nuôi biển với tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương, cho biết Bộ đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và khu vực miền Trung đến năm 2025 tầm nhìn 2035; theo đó, chỉ rõ định hướng phát triển quy hoạch vùng, tập trung vào các nội dung chính. Cùng đó, chỉ ra 4 trụ cột phát triển kinh tế khu vực Bắc Trung bộ; đó là: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung nâng cấp tuyến giao thông nội vùng, giao thông nông thôn để tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng; Phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển kết hợp với khai thác du lịch nhân văn – thế mạnh của vùng Bắc Trung bộ, hình thành và phát triển các cluster về du lịch; Đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó tập trung phát triển cảng biển nước sâu tại khu kinh tế Vũng Áng và các dịch vụ logistic và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phát triển ngư nghiệp, tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản…
>> VCCI nhận định, khu vực Bắc Trung bộ là “vùng trũng” của kinh tế đất nước. Vùng này chiếm 15% dân số cả nước nhưng số doanh nghiệp chỉ chiếm 5,5%. Trong khi đó, Bắc Trung bộ có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng, nhất là kinh tế biển. |
Ngọc Anh