Đây là chủ đề chính của Đối thoại bàn tròn ngành thủy sản năm 2019 do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đồng tổ chức trong khuôn khổ hợp tác công – tư của ngành thủy sản diễn ra ngày 20/11/2019 tại TP. Cần Thơ.
Toàn cảnh buổi đối thoại
Việt Nam hiện là nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 thế giới; trong đó con tôm chiếm một vị trí rất quan trọng. Tuy nhiên tại đối thoại, đa số đại biểu đều cho rằng, ngành tôm Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như: Sản xuất nhỏ lẻ; chưa đồng bộ nên chưa đáp ứng được các điều kiện về tăng năng suất và sản lượng tập trung để thúc đẩy liên kết, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm; chi phí sản xuất về con giống, thức ăn, thuốc, vật tư… còn cao so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là mức độ công nghệ hóa thấp nên việc kiểm soát môi trường chưa đảm bảo.
Các đại biểu cũng cho rằng, thời gian tới, thách thức lớn của ngành tôm Việt Nam chính là chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường khác, đối mặt với rào cản kỹ thuật từ việc tự do hóa thương mại và lao động. Chính vì thế, việc các chủ thể trong ngành, bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc luôn đóng vai trò quyết định trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cũng cần phải phát huy lợi thế của ngành tôm Việt Nam thông qua việc cải tiến công nghệ nuôi, kiểm soát tốt môi trường, minh bạch hóa đầu vào sản xuất và tăng cường việc thực thi các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, kiện toàn liên kết sản xuất để nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa chi phí đầu vào. Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu để đảm bảo sản phẩm tôm của Việt Nam có thể khẳng định lợi thế trên thị trường toàn cầu.
Các chuyên gia chia sẻ và bàn giải pháp để phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam tại đối thoại
Tại đối thoại, ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản khẳng định: “Chúng ta cần tăng cường và thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác của doanh nghiệp và đối tác quan trọng, bao gồm các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cũng như toàn thể người sản xuất, đó là điều hết sức cần thiết đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng. Việc đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị và tăng khả năng cạnh tranh của ngành tôm cũng như các sản phẩm nuôi thủy sản khác của Việt Nam là ưu tiên hàng đầu, sự tham gia tích cực của các bên sẽ giúp khai thác tối đa cơ chế minh bạch thông tin đầu vào sản xuất, tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng, xây dựng nền tảng cho sự hợp tác giữa hai khối nhà nước – tư nhân, góp phần tăng lợi nhuận bằng việc giảm chi phí đầu vào sản xuất để tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.