Theo Sở Thủy sản quận Khulna, 28.564 ha đất nuôi cua tại các huyện Koyra, Paikgachha, Dumuria, Dacope và Botiaghata đã cho thu hoạch trên 6.898 tấn.
Khulna là huyện lớn thứ 4 tại Bangladesh. Nông dân nuôi tôm tại địa phương này thua lỗ nặng do virus tấn công trại nuôi cộng với thảm họa tự nhiên không ngớt. Hiện, nhiều hộ nuôi tôm đã chuyển sang nuôi cua và thu lợi nhuận cao hơn tôm do nhu cầu tiêu thụ cua trên thị trường thế giới đang tăng.
Trại nuôi cua ở Khulna
Hoạt động nuôi cua đang được mở rộng tại các huyện khác nhau thuộc Khulna như Dacope, Botiaghata, Dumuria, Paikgachha, Koyra, Rampal, Mongla, Bagerhat Sadar, Sharankhola, Shyamnagar, Ashashuni, Kaliganj và Debhata. Người dân tại đây cho hay, nuôi cua thu lợi nhuận cao, lại ít bị dịch bệnh tấn công.
Theo Cục Xúc tiến xuất khẩu Khulna, Bangladesh đã thu về 269.100 USD từ xuất khẩu cua vào tháng 6, 397.000 USD vào tháng 7 và 563.000 USD vào tháng 8, tiếp tục tăng lên 925.000 USD vào tháng 9. Các thị trường tiêu thụ chính là Đài Loan, Trung Quốc, Bỉ, Anh, Hà Lan, Đức và Australia.
Nông dân địa phương cho biết, cua đực và cua cái đạt cỡ thương phẩm và cho xuất khẩu chỉ sau 3 tháng nuôi. Đặc biệt, cua không bị chết khi trời quá lạnh hoặc nóng như con tôm. Nuôi cua đang ngày càng phổ biến tại Khulna do ít rủi ro bùng phát dịch bệnh, lại được giá xuất khẩu. Nông dân Bangladesh bán cua với giá 1.000 – 1.200 BDT/kg (11,6 – 13,9 USD), trong khi giá tôm chỉ 700 – 800 BDT/kg (8 – 9,2 USD).