Nghiên cứu phát triển tôm và cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Cùng với sự phát triển của ngành thủy sản thời gian qua, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng các nhà khoa học, người nuôi và nhất là sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc đầu tư, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, tạo nhiều kết quả ở tôm và cá tra.

Nuôi tôm an toàn sinh học

 “Từ ngày 11/11/2019, chế phẩm sinh học của chúng tôi đã được cấp mã số lưu hành toàn quốc. Chế phẩm này đạt 1012 CFU/ml, tức là trong 1 ml có nghìn tỷ con vi khuẩn, không thua các nước tiên tiến”, TS Mai Thi ở Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tươi cười. Trước đây, chị ở một cơ quan của tỉnh Sóc Trăng từng chủ trì nghiên cứu chế phẩm sinh học được nhiều giải thưởng và từ tháng 4/2019, chuyển về Tập đoàn Thủy sản Minh Phú làm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế phẩm Sinh học Minh Phú.

Các yêu cầu của chị được lãnh đạo Tập đoàn đáp ứng mau lẹ nên chỉ ba tháng sau chị cho ra mẻ chế phẩm đầu tiên, nay đã có 12 chế phẩm, gồm 4 chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường và 8 chế phẩm nuôi tôm. Mẻ chế phẩm đầu tiên ứng dụng nuôi 3 ha tôm sú ở xã Thạnh Thới Thuận (Trần Đề, Sóc Trăng) đạt kết quả tốt nên mở rộng ra 700 ha nuôi TTCT của Tập đoàn ở tỉnh Kiên Giang, kết quả nâng cao được chất lượng tôm, hạ giá thành sản xuất. TS Mai Thi và cộng sự nghiên cứu ruột nhiều con vật như sùng đất, giun… để tuyển chọn vi khuẩn có lợi làm chế phẩm, bởi vi khuẩn bản địa nên khỏe hơn vi khuẩn trong chế phẩm nhập ngoại, vòng đời dài và còn có thể phục tráng khi bị thoái hóa. Chế phẩm đã được lưu hành toàn quốc, TS Mai Thi lại tập trung đưa đến ao tôm của đông đảo nông dân đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với Tập đoàn. TS Lê Thị Hải Yến ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tổng Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Vật tư và Thuốc thú y (Vemedim) lại có nhiều nghiên cứu về sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. Gồm sử dụng chế phẩm xử lý nước ao nuôi và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm. Trong hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm, có kích thích miễn dịch đường tiêu hóa của tôm, tiết ra các hợp chất chống lại vi khuẩn gây bệnh và còn cạnh tranh dinh dưỡng, cạnh tranh nơi cư trú với vi khuẩn có hại khiến vi khuẩn có hại không phát triển được. Sử dụng chế phẩm sinh học bằng cách đưa vào cơ thể tôm như bổ sung thức ăn, ngâm, bổ sung vào ao nuôi; sử dụng thường xuyên hoặc định kỳ đều là những quy trình có tính quyết định thành công nuôi tôm an toàn sinh học.

 

Giống và sản phẩm cá tra

Giám đốc điều hành Công ty CP Cá tra Việt Úc – An Giang Võ Minh Khôi giới thiệu Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại xã Vĩnh Hòa (Tân Châu, An Giang) có 1.000 con cá tra bố mẹ G1. Những con cá này đã được lấy mẫu ADN gửi qua Viện CSIRO (Australia) kiểm tra chất lượng đảm bảo tốt để mỗi năm sinh ra khoảng 2 tỷ con cá bột, sau đó là 200 triệu con cá giống (loại 30 con/kg) đưa ra thị trường. Khu sản xuất giống rộng hơn 100 ha, nằm trên cồn Vĩnh Hòa giữa sông Tiền, tách biệt các khu dân cư nên giữ được an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, lại gần bãi sinh sản cá tra tự nhiên nên thích hợp điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng của ĐBSCL.

Cá tra bố mẹ của Tập đoàn Việt – Úc – Ảnh: V.U

Đã có 18 nhà màng lưu giữ cá bố mẹ, được đầu tư hệ thống điện mặt trời để vận hành các thiết bị. Giám đốc Khôi cho hay, giống cá tra sản xuất ở đây đang đặt mục tiêu vươn tới 3 đặc tính: tăng trưởng nhanh, ước mỗi thế hệ cá bố mẹ sẽ tăng trưởng nhanh hơn 8 – 10%; tỷ lệ sống tăng trung bình 5 – 10% so thế hệ liền kề trước đó; chất lượng thịt cũng tăng. Chất lượng thịt đánh giá qua tỷ lệ fillet cải thiện từ 2,8 kg giảm xuống 2 kg để thu 1 kg fillet và tăng tỷ lệ thịt trắng. Chất lượng cá tăng trưởng ngoài yếu tố di truyền, sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi với mức độ khá cao nên cải tiến quy trình được coi trọng.

Khu sản xuất giống đã ứng dụng một số công nghệ vượt trội như di truyền phân tử, di truyền số lượng, ứng dụng bắn chip điện tử vào cá để theo dõi, phân tích bằng các phần mềm ứng dụng. Từ đó, lựa được những con cá có đặc tính mong muốn vượt trội trong đàn để chọn các thế hệ cá tra bố mẹ ưu việt. Không chỉ cung cấp giống, Khu sản xuất còn sẵn sàng cung cấp cá tra bố mẹ hậu bị cho các cơ sở sản xuất giống cấp 2 trong Đề án liên kết sản xuất giống cá tra chất lượng cao vùng ĐBSCL.

Ở lĩnh vực chế biến đa dạng sản phẩm cá tra, năm 2019 đánh dấu nhiều bước tiến của Công ty CP và Đầu tư Phát triển Đa quốc gia (IDI). Doanh nghiệp này vốn nổi tiếng với dầu ăn cao cấp Ranee, tinh luyện từ cá tra bằng dây chuyền nhập khẩu toàn bộ từ châu Âu, lưu giữ được những dưỡng chất quý của cá. Mới đây, IDI có thêm dầu ăn dinh dưỡng cho trẻ Ranee KIDS cũng tinh luyện từ cá tra, bổ sung thêm dầu cá hồi nhập khẩu. Sản phẩm kết hợp khá hoàn hảo hai loại dầu cá giàu dưỡng chất tốt cho trẻ em. Năm 2019, sản phẩm cá tra Việt Nam sang thị trường Malaysia tăng cao, trong đó, IDI góp phần quan trọng. Đây là quốc gia theo đạo Hồi, nhu cầu thủy sản có những đặc điểm riêng, đòi hỏi việc cung ứng phải nghiên cứu và IDI cung cấp ngoài fillet đông lạnh, còn có bong bóng cá tra sấy, cá tra cắt khúc đông lạnh, bao tử cá, dầu ăn, cá tra tẩm bột. Các sản phẩm này đang được người dân Malaysia khá ưa chuộng.

Sản phẩm cá tra của IDI sang Đức cũng tăng mạnh trong năm 2019, đa dạng như cá tra cắt khúc, da cá tra đông lạnh, fillet đông lạnh, cá tẩm bột, cá xiên que… Đặc biệt có dòng sản phẩm mới là fillet cá tra organic với giá trung bình 9,6 – 9,78 USD/kg, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Theo lãnh đạo IDI, sản phẩm của Công ty xuất khẩu tới hơn 50 thị trường trên thế giới qua chế biến của hai nhà máy có tổng công suất một ngày 600 tấn nguyên liệu, vùng nuôi rộng 300 ha, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp.

>> Rõ ràng, việc quyết định lựa chọn phương thức đưa công nghệ sản xuất cùng với việc ứng dụng thích hợp, đúng đắn, chính xác từng ngành nghề đã tạo sự thay đổi về chất và lượng trong các sản phẩm thủy sản, góp phần tạo chất lượng và thương hiệu cho thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!