10 sự kiện nổi bật năm 2019

Chưa có đánh giá về bài viết

2019, năm bản lề để hoàn thành những kế hoạch 5 năm, 10 năm của ngành thủy sản, vậy nhưng, do tác động từ nhiều mặt cả khách quan và chủ quan, ngành thủy sản Việt Nam đã trải qua một năm nhiều biến động, nhiều mục tiêu bị chậm lại. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà ngành đã đạt được những thỏa thuận quan trọng. Cùng Thủy sản Việt Nam điểm danh những dấu ấn của ngành trong năm qua.

1. Xuất khẩu không đạt kỳ vọng: Theo số liệu của ngành nông nghiệp, 11 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 7,85 tỷ USD, giảm 2,3% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu lớn, chiếm 57,4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản (tính đến hết tháng 10/2019). Trong 10 tháng đầu năm, Trung Quốc và Đài Loan là hai thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất, lần lượt là 16,9% và 9,8%. 10 tháng đầu năm, thủy sản có thặng dư thương mại cao thứ hai ngành nông nghiệp, đạt khoảng 5,6 tỷ USD, giảm 4% so với thặng dư thương mại cùng kỳ 2018.

 

2. Sản xuất thủy sản tăng trưởng cao nhất trong 9 năm trở lại đây: Theo Bộ NN&PTNT, tuy tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp trong 9 tháng chỉ tăng 2,02%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng GDP của ngành thủy sản tăng tới 6,12%. 6 tháng đầu năm, thủy sản là điểm sáng của khu vực nông nghiệp khi tăng trưởng ở mức 6,45% (cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây), đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Ngành tôm vẫn có nhiều triển vọng trong năm 2020 – Ảnh: Trần Út

 

3. EC kiểm tra lần hai, hải sản vẫn không thoát “thẻ vàng”: Từ ngày 5 – 14/11/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của châu Âu (DG-MARE) đã sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị về chống khai thác IUU. Nỗ lực của Việt Nam được đánh giá rất cao, tuy nhiên, Việt Nam chưa gỡ được “thẻ vàng”. Vẫn còn “thẻ vàng” đồng nghĩa hải sản xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gặp trở ngại. Bởi hiện nay, 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam bị EU kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam mất thêm thời gian và chi phí, gây ra hệ lụy tới đối tác và khách hàng. Lo ngại nhất là nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000 – 10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng).

 

4. Cá tra và tôm “dễ thở” tại Mỹ: Ngày 31/10/2019, Cục Thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra quyết định cuối cùng công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá Siluriformes của Việt Nam tương đương với hệ thống của Mỹ. Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 43,6% so cùng kỳ năm trước đó.

Xuất khẩu cá tra 2019 khó khăn nhưng vẫn đón nhận nhiều niềm vui – Ảnh: LHV

Cùng đón tin vui, tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp hưởng mức thuế 0%; Đây là một điểm sáng le lói rất đáng trân trọng trong bức tranh ảm đảm về xuất khẩu tôm sang thị trường này năm 2019.

 

5.  Trung Quốc cấm “tiểu ngạch”, thủy sản ùn ứ: Năm nay, cơ quan chức năng của Trung Quốc ban hành hàng loạt quy định mới về quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quy cách, nội dung thông tin sản phẩm trên tem nhãn; quy cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm. Theo Bộ NN&PTNT, do chưa đáp ứng được yêu cầu nên nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam đã bị trả lại, ách tắc từ đầu tháng 8/2019 tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Trong đó, tôm Khánh Hòa ùn tắc trên 129 tấn; mực, cá từ Vũng Tàu trên 34 tấn; cá chỉ vàng Tiền Giang gần 60 tấn; tép khô Phan Thiết 14 tấn, hàng nghìn tấn mực khô của ngư dân Quảng Nam cùng hàng nghìn tấn cá nục sấy tại Gio Linh (Quảng Trị) ùn ứ.

 

6. Tàu cá nằm bờ hàng loạt vì kém hiệu quả: Tại miền Trung, khảo sát hồi tháng 4, mặc dù đang trong thời vụ đánh bắt chính nhưng hàng loạt tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 ở Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu… phải nằm bờ. Những ngư dân trước đây đi đầu hưởng ứng chính sách thì giờ trở thành con nợ của các ngân hàng. Chưa kể, hiện nay, rất nhiều tàu cá bị bảo hiểm từ chối. Tính đến hết tháng 11, tại Bình Định đã có 28 tàu (2 gỗ, 3 composite, 23 thép) đóng mới theo Nghị định 67 hết hạn bảo hiểm nhưng chưa được mua mới, ngư dân không thể ra khơi. Vấn đề bảo hiểm tàu cá đang rất “nóng” tại các địa phương.

 

7. Xuất khẩu hải sản tăng tốc: 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hải sản đạt 2,68 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ năm 2018; trong đó, xuất khẩu cá ngừ tăng 14% đạt 618 triệu USD, mực bạch tuộc đạt 480 triệu USD, giảm 11%; các loại cá biển khác tăng 17%, đạt 1,38 tỷ USD. Xuất khẩu hải sản sang EU đã bị tác động giảm do ảnh hưởng của “thẻ vàng” IUU, tuy nhiên, các thị trường khác lại có sự tăng trưởng khá tốt. Cùng đó, lần đầu tiên trong nhiều năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu hải sản đã vượt qua 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra. Trong đó, tỷ lệ các mặt hàng hải sản đã chiếm 38,2% so với con tôm là 37,7% và cá tra 24,1%. Dự kiến cả năm, mặt hàng hải sản sẽ cán mốc kim ngạch xuất khẩu 3,3 tỷ USD, tăng khoảng 11% so năm trước đó.

 

8. EHP, dịch bệnh mới đe dọa ngành tôm: EHP, bệnh vi bào tử trùng hay bệnh phân trắng đã xuất hiện trên tôm từ nhiều năm trước. Năm 2019, EHP trở thành vấn đề “nóng” trên toàn cầu. Đại diện Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, EHP không gây chết tôm hàng loạt nhưng ảnh hưởng rất lớn về kinh tế. Tôm bị bệnh sẽ rất chậm lớn, thậm chí không lớn mặc dù tiêu tốn rất nhiều thức ăn. Tôm nuôi 90 – 100 ngày vẫn có thể chỉ đạt kích cỡ 200 – 250 con/kg. Tình hình nhiễm bệnh EHP trên tôm nước lợ đang có chiều hướng gia tăng. Theo phản ánh của một số địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Quảng Nam và Khánh Hòa, kết quả phân tích mẫu bệnh trên tôm giống trong tháng 7 – 8/2019, phát hiện tỷ lệ nhiễm bệnh EHP khá cao (trên 11% số mẫu phân tích). Bệnh cũng bùng phát tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là một mối nguy lớn của ngành tôm Việt Nam.

 

9. Hai mặt hàng chủ lực giảm giá: Chưa năm nào, NTTS của Việt Nam lại bị “mất giá” như vừa qua. Từ cuối quý I/2019, giá cá tra thương phẩm giảm không phanh, ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Giá cá được các nhà máy thu mua chỉ khoảng 19.000 – 20.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Thê thảm hơn là những người sản xuất cá tra giống. Thời điểm tháng 7, giá cá giống loại 10 – 15 con/kg chỉ còn 15.000 đồng/kg (trong khi thời điểm này năm 2018 là 60.000 đồng/kg), người nuôi lỗ nặng; hàng loạt ao ương cá tra giống bị san lấp.

Con TTCT cũng chung số phận khi chưa năm nào giá giảm mạnh và giảm lâu như 2019. Trong suốt một thời gian dài, giá TTCT cỡ 100 con/kg ở mức 70.00 – 75.000 đồng/kg. Nhiều hộ khéo nuôi thì hòa vốn, còn không thì lỗ. Trong khi, TTCT cỡ lớn khoảng 20 – 30 con/kg lại có giá tốt. Thế nhưng, nhiều người nuôi lo sợ giá tôm giảm sâu hơn nữa nên bán tháo đã khiến cho tình cảnh càng thê thảm. Cùng với đó, giá trị xuất khẩu 2 mặt hàng này cũng giảm lần lượt là 4,23% (tôm), 12% (cá tra).

 

10.  Nhập khẩu thủy sản vẫn rất lớn: 11 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị thủy sản nhập khẩu ước 1,6 tỷ USD, tăng 1,8% so cùng kỳ năm ngoái. Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 10 tháng đầu năm là Na Uy, chiếm 11,9% thị phần; tiếp đến là Ấn Độ 11,2% và Trung Quốc 7,7%. Trong 10 tháng, thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản mạnh nhất so cùng kỳ năm 2018 là Philippines (gấp 2,17 lần cùng kỳ), ngược lại, thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Ấn Độ (giảm 44,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, tôm và cá ngừ là hai mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn hơn cả. Đây cũng là một nghịch lý, bởi năm qua, giá tôm trong nước giảm liên tục, còn giá bán cá ngừ cũng không mấy khả quan.

>> Vượt qua những rào cản khó khăn, ngành thủy sản vẫn ghi nhận sự tăng trưởng và nhiều kỳ vọng “sáng” trong năm 2020.

TSVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!