Nhiều chương trình bao trùm rộng lớn trong các lĩnh vực thuốc kháng sinh, an ninh lương thực, phúc lợi động vật… đã tạo nên bức tranh toàn cảnh ngành thủy sản thế giới 2019. Dưới đây là các biến cố chính trong năm qua, theo nhận định của các chuyên gia tại GOAL 2019.
1. Tôm thẻ tiếp tục dẫn đầu
Theo dữ liệu GAA 2019, tốc độ tăng trưởng kép của ngành tôm nuôi ước đạt 4,5% từ 2015 đến 2021; năm 2021, tổng sản lượng tôm sẽ vượt sản lượng năm 2018 ít nhất 11%. Sản phẩm tôm số 1 hiện nay vẫn là TTCT Thái Bình Dương, chiếm 79% tổng sản lượng tôm toàn cầu. Nhưng dịch bệnh, chiến tranh thương mại và những dữ liệu sản xuất thiếu minh bạch từ Trung Quốc đã khiến thị trường tôm 2019 và các năm sau khó dự báo hơn. Năm 2019 chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt trong ngành tôm. Hiện, Ấn Độ đang thay thế Thái Lan để trở thành nguồn cung TTCT lớn nhất thị trường Mỹ kể từ khi tôm Thái Lan vướng đại dịch EMS, đỉnh điểm vào năm 2013. Trong khi, tôm Ecuador cũng nhanh chóng chiếm vị trí thứ hai tại Mỹ và nhăm nhe làm chủ thị trường châu Á. Theo Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích tại Rabobank, trên bản đồ thương mại ngành tôm toàn cầu trong năm qua chỉ thấy sự nổi bật của tôm Ấn Độ và Ecuador – hai cường quốc nuôi TTCT.
Tôm thẻ chân trắng vẫn chiếm lợi thế trong NTTS – Ảnh: CTV
2. Dịch bệnh trên tôm – trở ngại lớn nhất châu Á
EMS vẫn là nỗi ám ảnh lớn với người nuôi tôm tại châu Á dù các trại nuôi tôm đã biết cách áp dụng phương pháp thực hành nuôi mới để hạn chế thiệt hại từ dịch bệnh này. Ngoài ra, nhiều dịch bệnh mới như virus SHIV, hội chứng phân trắng (WFS) và vi bào tử trùng (EHP) đang đẩy người nuôi tôm vào tình cảnh khó khăn hơn. Tỷ lệ tôm chết từ SHIV cũng không kém EMS. Tuy nhiên, dịch bệnh trên lại là cú hích cho sự ra đời của các loại thức ăn chức năng, các biện pháp phòng ngừa mới như sử dụng tôm giống sạch, ao sạch, quản lý chất thải bằng hệ thống tái tuần hoàn và probiotic. Nuôi tôm vẫn đang phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, được kiểm soát, bền vững và dễ dự báo nhưng giá tôm sẽ luôn biến động không ngừng. Các trại nuôi thế hệ 5 cũng bắt đầu phổ biến hơn, được coi là sự đầu tư thiết thực để giảm thiểu chất thải tôm và nâng cao an toàn sinh học cho trại nuôi. Năm qua, nông dân châu Á đã tăng cường giám sát chặt chẽ các hoạt động cho ăn để nắm được các dấu hiệu cảnh báo sớm dịch bệnh.
3. Đòn bẩy công nghệ
Từ lâu, nông dân nuôi cá hồi tại các nước phương tây đều biết rằng thức ăn chiếm chi phí lớn nhất và quản lý thức ăn là cách chính để thúc đẩy trang trại hoạt động hiệu quả, đạt lợi nhuận cao. Để quản lý thức ăn hiệu quả, công nghệ và dữ liệu là trợ thủ đắc lực nhất cho người nuôi. Ngành cá hồi Na Uy đã ứng dụng rất tốt công nghệ cao vào khâu nuôi và quản lý trang trại năm qua. Theo ông Bendik S. Søvegjarto, Tổng Giám đốc điều hành Công ty CageEye tại Oslo, 7% sản lượng thức ăn cá hồi bị lãng phí do cho ăn quá mức, một vấn đề mà hãng CageEye đang cố gắng khắc phục. Năm ngoái, CageEye cũng tung ra sản phẩm sử dụng công nghệ máy học và thủy âm học để đánh giá độ ngon miệng/thèm ăn của cá. Công nghệ là đòn bẩy đưa ngành cá hồi Na Uy lên vị trí cao như hiện nay. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với ứng dụng công nghệ trong ngành NTTS nói chung vẫn là chia sẻ và tổng hợp dữ liệu.
4. Chứng nhận và quản lý vùng
Ireland là quê hương của chứng nhận thực hành NTTS tốt nhất BAP – một trong những chứng nhận đầu tiên trên thế giới. Giờ đây, chứng nhận như một yêu cầu cơ bản trong NTTS; nhưng quan trọng hơn chứng nhận là cách quản lý vùng nuôi, năng lực xây dựng và sự tham gia của các hộ nuôi nhỏ lẻ. Theo Donal Maguire, Giám đốc kỹ thuật dịch vụ thủy sản tại Bord Iascaigh Mhara (BIM), sự hợp tác chặt chẽ giữa các hãng sản xuất thủy sản trong một khu vực là cực kỳ quan trọng. Năm qua, BIM đã phát triển hệ thống quản lý NTTS cấp địa phương (CLAMs) nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các hãng sản xuất nhuyễn thể tại vịnh Clew. NTTS là ngành kinh doanh rủi ro và đầy khó khăn và bất cứ cách thức gì có khả năng giảm thiểu rủi ro này đều đáng trải nghiệm. Quản lý vùng là cách thức hữu hiệu để các ngành công nghiệp trong vùng tạo dựng được thiện chí trong cộng đồng. Ngành thủy sản còn phải tiếp tục mở rộng, để làm được điều đó thì phải nhận được sự ủng hộ của cả xã hội và cộng đồng.
5. Giải pháp thay thế kháng sinh
Lạm dụng kháng sinh trong sản xuất luôn là vấn nạn nhức nhối từ năm này qua năm khác; thể hiện ở việc lượng kháng sinh sử dụng trong ngành nông nghiệp và thủy sản gấp đôi lượng kháng sinh sử dụng cho người, theo Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến động bệnh dịch, Kinh tế và Chính sách (CDDEP) tại Washington, D.C. Hiện nay, người tiêu dùng đang ráo riết tìm kiếm những thực phẩm không chứa kháng sinh hoặc hữu cơ; nhưng loại bỏ kháng sinh không phải chuyện một sớm một chiều. Năm qua, FAO và WHO đã gửi đi cảnh báo toàn cầu về sử dụng nhằm mục đích phòng bệnh sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng và làm xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc và siêu vi khuẩn. Người nuôi thủy sản phải sử dụng kháng sinh thận trọng, tìm ra cách nâng cao dinh dưỡng và tăng trưởng ngoài giải pháp kháng sinh để cải thiện sức khỏe vật nuôi.
6. Nuôi trồng nhân đạo
Video bí mật ghi lại cảnh ngược đãi động vật tại trại nuôi cá hồi Cooke Aquaculture ở Maine đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội; từ đó, làn sóng tẩy chay Cooke Aquaculture lan khắp nơi cho thấy tầm quan trọng của các phương thức nuôi trồng nhân đạo, hay nói cách khác là phúc lợi động vật. Các đại biểu tham dự GOAL năm 2019 đã bỏ phiếu bình chọn sản phẩm gây mê nhân đạo (HSU) của hãng Ace Aquatec trong top sáng tạo NTTS của năm. HSU được đánh giá cao hơn sản phẩm biến gỗ thành thức ăn thủy sản của Arbiom và công nghệ phát hiện độc tố nấm mốc mycotoxin của Pegasus Science. HSU – gây mê bằng điện cực, thay vì carbondioxide, đá lạnh hoặc ngoại lực mạnh đã được sử dụng bởi công ty cá hồi Scottish Salmon và New Zealand King. Chiến thắng của Ace Aquatec đã chứng minh tầm quan trọng của phúc lợi động vật. Các hãng thủy sản ở nước phát triển hay đang phát triển đều chú trọng các biện pháp gia tăng phúc lợi động vật để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.
7. Xung đột thương mại
Nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản toàn cầu đang giảm cộng với chiến tranh thương mại sẽ còn đặt ra nhiều thách thức hơn cho thị trường thủy sản toàn cầu. Tuy nhiên, các hãng xuất khẩu quy mô lớn vẫn đang nhìn nhận tích cực về thương mại thủy sản 2019, đặc biệt là tại châu Á. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc trong năm nay thấp hơn năm ngoái nhưng doanh thu xuất khẩu thủy sản của một số nước châu Á khác như Indonesia, Ấn Độ, Philippines lại tăng cao. Xuất khẩu thủy sản của một số nước nổi trội tại châu Âu như Na Uy vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ giá bán hàng hóa giữ ở mức cao với hầu hết các loại mặt hàng; trong khi, các hãng xuất khẩu thủy sản của Mỹ Latinh – nơi sản xuất một lượng lớn cá hồi và bột cá cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về hoạt động xuất khẩu. Ở những thị trường khác, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ lại phải chứng kiến sự suy yếu về tổng khối lượng nhập khẩu thủy sản từ hồi đầu năm 2019. Ở những nước đang phát triển, nhập khẩu tăng chậm nhưng vẫn duy trì ở mức khả quan.
8. NTTS bùng nổ tại Ấn Độ
NTTS ngày một phát triển tại Ấn Độ – Ảnh: Earlham
Năm qua, ngành thủy sản Ấn Độ đã thu hút nhiều sự chú ý trên thế giới. Theo K.S. Srinivas, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (MPEDA), mục tiêu tăng trưởng doanh thu xuất khẩu thủy sản ấn tượng từ 7 tỷ USD lên 15 tỷ USD của Ấn Độ đã tạo tiếng vang lớn. Tăng gấp đôi xuất khẩu thủy sản – lĩnh vực mà Ấn Độ mới tham gia từ hơn một thập kỷ trước được cho là khả thi. Để thực hiện mục tiêu này, Ấn Độ đã tích cực mở rộng sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm tôm, ngoài TTCT. Tham vọng đưa tôm sú quay lại vị thế ban đầu trên thị trường xuất khẩu của Ấn Độ vẫn đang được thực hiện dù sẽ phải mất ít nhất 2 đến 3 năm mới có thể trở thành hiện thực. Vùng nuôi thủy sản của Ấn Độ đã tăng trưởng trên 800% hơn một thập kỷ qua. Ngành thủy sản Ấn Độ bắt đầu nhắm đến các đối tượng cá vây tiềm năng khác, như rô phi nước ngọt, cá chẽm, hay cá tráp nuôi dọc bờ biển rộng lớn ở Ấn Độ. Quốc gia này cũng đẩy mạnh đầu tư vào trại nuôi, trại giống và kho lạnh, đồng thời kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà sản xuất thủy sản đạt chứng nhận quốc tế.
>> Theo dự báo của GOAL, năm 2021, sản lượng tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng 5% và có thể đạt gần 5,3 triệu tấn. Trong đó, Đông Nam Á dự kiến vượt 1,8 triệu tấn; Trung Quốc có thể đạt 1,5 triệu tấn; châu Mỹ ước 1,2 triệu tấn; Ấn Độ dự kiến vẫn ổn định ở dưới mức 600.000 tấn… |
Tuấn Minh
Theo GOAL 2019