Trong hơn 10 năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân về thuế, tín dụng ưu đãi… nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, nhiều thủ tục trong các chính sách này đang làm khó ngư dân.
Đụng đâu mắc đó
Theo Quyết định 48/2010 ban hành ngày 13/7/2010 của Chính phủ, để được hỗ trợ chi phí nhiên liệu, ngư dân phải có hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa và có xác nhận của UBND xã đảo, Hải quân hoặc nhà giàn gần ngư trường khai thác, hay xác nhận vị trí hoạt động của tàu cá bằng hệ thống giám sát định vị vệ tinh (GPS) của cơ quan chức năng. Nhưng trên thực tế, hầu hết tàu đánh cá của ngư dân không được trang bị hệ thống GPS. Cách duy nhất là lấy dấu xác nhận trên các đảo. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được, vì theo nhiều ngư dân, vùng biển gần các nhà giàn luôn có sóng rất lớn, tàu cá khó tiếp cận. Còn những đảo tàu có thể vào thì lại cách xa ngư trường, đi lại sẽ làm chi phí dầu tăng, mất luồng cá, nên tiền hỗ trợ có khi không đủ bù lỗ.
Về quy định hỗ trợ về đóng mới, mua mới tàu cá thì điều kiện bắt buộc là ngư dân phải mua máy mới. Tuy nhiên hiện nay giá máy mới còn khá cao, hầu hết ngư dân không kham nổi, trong khi các ngân hàng thương mại lại không mấy “cởi mở” nên chính sách này xem ra vẫn còn xa ngư dân.
Ngư dân khai thác biển xa vẫn khó tiếp cận vốn hỗ trợ – Ảnh: Trần Út
Mặt khác, trình tự hồ sơ, thủ tục theo hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng quá khó đối với ngư dân. Nhiều loại văn bản lâu nay chưa được ngư dân sử dụng, như hợp đồng lao động giữa chủ tàu và thuyền viên, giấy đăng ký lưu hành phương tiện hay giấy đăng ký kinh doanh đối với tàu làm dịch vụ… Đặc biệt là sổ nhật ký khai thác thủy sản (ghi lại địa điểm đánh bắt, sản lượng, chủng loại hải…) vượt ngoài khả năng của họ…
Vốn ít, thủ tục nhiều
Theo bà Nguyễn Thị Doan, Phó Phòng NN&PTNT huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), hiện nay để được vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 14, ngư dân phải làm rất nhiều thủ tục. Hồ sơ để vay vốn ưu đãi đóng mới, cải hoán tàu cá gồm 9 loại giấy tờ bắt buộc gồm: thông báo của Sở NN&PTNT về kế hoạch đóng mới, cải hoán tàu; đơn xin đóng mới hoặc cải hoán tàu; biên bản kiểm tra của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản về kỹ thuật đóng mới, sửa chữa tàu cá; hợp đồng đóng mới hoặc cải hoán tàu cá; giấy chứng nhận xuất xưởng tàu cá; giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; biên bản kiểm tra, nghiệm thu của các phòng chức năng cấp huyện; quyết định của UBND huyện về mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất. Những thủ tục này khiến ngư dân ngại ngay từ khâu lập hồ sơ.
Tuy nhiên, khi vượt qua được vấn đề thủ tục, ngư dân còn tiếp tục vấp tại khâu quyết định, đó là vốn. Vốn vay ở mức hỗ trợ thấp hơn rất nhiều so với những kế hoạch đóng mới và mua ngư cụ của ngư dân. Với khoản vay hỗ trợ lãi suất 400 triệu đồng/tàu đóng mới theo Nghị quyết 14 thực tế quá thấp so với chi phí thực tế, bởi hiện nay, chi phí đóng mới và mua sắm ngư cụ cho một phương tiện đánh bắt xa bờ hiện nay vào khoảng ngót nghét 2 tỷ đồng. Không những vậy, mặc dù theo quy định ngư dân vay vốn không cần thế chấp sổ đỏ, nhưng các ngân hàng vẫn bắt buộc có thủ tục này.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều người cố gắng hoàn thiện được thủ tục thì có khi ngân hàng… không có nguồn vốn bố trí cho chương trình. Do vậy, đến nay, chính sách hỗ trợ nhằm giúp ngư dân vượt khó vẫn còn khó.
Cách nào tháo gỡ?
Hiện nay, việc kiểm tra, giám sát tàu khai thác của các tỉnh đang gặp khá nhiều khó khăn, không chỉ vậy, để đáp ứng được một trong các tiêu chí của chính sách hỗ trợ là vấn đề nhật ký khai thác, ở nhiều tỉnh, chính quyền giải quyết bằng cách lắp đặt máy định vị GPS trên các tàu đánh bắt xa bờ, để ngay khi cập bến có thể xác nhận cho họ đánh bắt ở ngư trường nào. Nhưng đây mới chỉ là thí điểm và được thực hiện ở một vài tỉnh, còn để “phủ sóng” toàn bộ vẫn cần nhiều thời gian và nguồn kinh phí lớn.
Bên cạnh đó, nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn hiện tại, nhiều tỉnh, thành đã quyết định thành lập các Quỹ hỗ trợ ngư dân, tạo bệ đỡ vững chắc cho ngư dân vươn khơi. Quỹ hỗ trợ này sẽ tiếp nhận nguồn vốn ngân sách, tổ chức quản lý và thực hiện thêm nguồn lực tài chính phát triển năng lực tàu cá khai tác xa bờ. Đồng thời, huy động sự đóng góp một cách hợp pháp của các tổ chức cá nhân nhằm chia sẻ, động viên và hỗ trợ kịp thời ngư dân khi gặp thiên tai, tai nạn… Nhưng thực tế không phải ngư dân nào cũng đảm bảo đủ điều kiện vay vốn và cũng không phải hỗ trợ làm nghề.
Việc thắt chặt các điều kiện hỗ trợ ngư dân như hiện nay nhằm đảm bảo nguồn vốn được thực hiện hợp lý và tránh thất thoát. Tuy nhiên, nên chăng có sự linh hoạt khi áp dụng vào thực tế sản xuất, nhằm nâng cao khả thi của một chính sách lớn. Bởi đến nay, lời giải cho bài toán giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, làm giàu từ biển và xa hơn là thể hiện chủ quyền biển đảo của Tổ quốc vẫn đang bỏ ngỏ!
>> Vốn hỗ trợ dành cho những mục tiêu xa, còn trước mắt, trong tình hình vật giá tăng cao như hiện nay, đặc biệt là xăng dầu, ngư dân đang rất cần sự hỗ trợ lớn hơn nữa và nhanh chóng hơn nữa để họ tiếp tục ra khơi… |
KHAI THAC VI PHẠM VUNG BIEN NUOC NGOÀI CÓ DC HÔ TRO CHINH SÁCH QĐ 48/2010 KHÔNG