Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, với các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra) thì các cơ sở nuôi phải đăng ký và được cấp mã số cơ sở nuôi. Đây là yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lývà truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng theo chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến quy định này đến với các địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ nuôi.
Đồng thời, nhằm hỗ trợ hộ nuôi thủy sản thực hiện tốt việc đăng ký mã số nuôi thủy sản, Chi cục đã ập trung triển khai tại các HTX/THT và phối hợp với UBND các xã triển khai cấp mã số xác nhận nuôi thủy sản chủ lực bằng cách nhận hồ sơ trực tiếp từ người dân.
Ảnh minh họa
Thực tế, công tác cấp mã số cơ sở nuôi đã làm rất tốt đối với đối tượng cá tra và các vùng nuôi tôm của các công ty lớn. Riêng đối với tôm nước lợ, số lượng cơ sở nuôi nhỏ lẻ rất lớn, ước tính toàn tỉnh có khoảng hơn 40.000 hộ nuôi để triển khai quy định này, đây là một thách thức lớn, để công tác này được triển khai hiệu quả trước mắt phải nâng cao nhận thức của người nuôi.Tính đến nay, tỉnh đã cấp được cho hơn 300 hộ tại 2 HTX và hộ nuôi trên địa bàn xã Hòa Tú 2. Qua thời gian thực hiện, người dân rất đồng tình và thực hiện nghiêm quy định. Một trong những vướng mắc đó là đa số người nuôi có chứng nhận về quyền sử dụng đất nhưng chưa có thừa kế và nhiều hộ cùng chung một quyền sử dụng đất.
Hiện nay, các thị trường lớn nhập khẩu thủy sản của nước ta đã chính thức áp dụng các quy định về khai báo xuất xứ, chứng minh tính pháp lý về nguồn gốc các sản phẩm thủy sản. Thời gian tới, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai quyết liệt công tác này.