Việc triển khai thực hiện Đề án 52 tại các xã biển của huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, nâng cao nhận thức trong công tác DS – KHHGĐ tại địa phương. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ công tác tổ chức, chỉ đạo kịp thời và đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Hiệu quả từ tổ chức
Công tác dân số tại Bình Đại được xác định là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cải thiện đời sống, đảm bảo an ninh xã hội và phát triển kinh tế, những năm qua, việc triển khai thực hiện công tác DS – KHHGĐ tại địa phương được quan tâm đúng mức và mang lại những hiệu quả thiết thực.
Ngay từ đầu năm, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện chủ động triển khai sớm kế hoạch khám, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho 20 xã, thị trấn gắn với việc thực hiện Đề án 52 có hiệu quả, dù nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển về các huyện còn chậm. Trung tâm DS – KHHGĐ huyện tổ chức nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên – thanh niên tại 2 điểm trường Trung học phổ thông Lê Hoàng Chiếu và Huỳnh Tấn Phát cho hơn 200 em học sinh, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng để các em có thể tự bảo vệ và chăm sóc SKSS cho bản thân, chuẩn bị hành trang cho tương lai và góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Các buổi ra quân tuyên truyền cho công tác DS – KHHGĐ được tổ chức hàng năm tại huyện Bình Đại
Tính đến tháng 5/2012, số trẻ mới sinh trong toàn huyện là 668 trẻ (tăng 105 trẻ so với cùng kỳ năm 2011); Sinh con thứ 3 trở lên là 15 trẻ, tỷ lệ sinh là 2,25% (giảm 0,77% so cùng kỳ năm 2011); Tỷ số giới tính khi sinh 101 nam/100 nữ. Về thực hiện KHHGĐ, toàn huyện có 8.282 trường hợp, đạt 86% kế hoạch năm, trong đó, biện pháp đình sản đạt 133%, vòng tránh thai 1.939/2.600 đạt 74%. Nhiều xã đạt trên 80% kế hoạch năm như: Châu Hưng(91%), Thạnh Trị (89%), Thừa Đức (80%), Thới Thuận (82%).
Điển hình trong công tác dân số
Thừa Đức là một xã bãi ngang, vùng sâu, vùng xa của huyện Bình Đại, với bờ biển dài trên 14 km, có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển và sản xuất nông nghiệp như nuôi trồng, khai thác thuỷ sản và du lịch biển. Đặc biệt, nghề nuôi nghêu rất phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và góp phần phát triển kinh tế chung của huyện. Toàn xã có 2.104 hộ, với 8.265 nhân khẩu, trong đó, có 1.755 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 – 49.
Từ nhiều năm qua, Ban DS – KHHGĐ xã chủ động tham mưu cấp lãnh đạo kịp thời củng cố thành viên Ban chỉ đạo, đội ngũ cộng tác viên dân số, điều chỉnh quy chế hoạt động phù hợp với từng thời điểm, đồng thời phát động phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên và cộng tác viên. Đồng thời, Ban dân số xã thường xuyên bám sát các hoạt động truyền thông với các hình thức như: trực tiếp tại hộ, truyền thông lồng ghép Câu lạc bộ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… huy động mọi nguồn lực của địa phương cho công tác DS – KHHGĐ. Trong các đợt khám chăm sóc SKSS/KHHGĐ hàng năm, chính quyền địa phương và Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm đã hỗ trợ kinh phí, tiền ăn cho cộng tác viên, Ban dân số xã còn hỗ trợ tiền đi lại cho hai cộng tác viên quản lý địa bàn trên cồn về dự họp giao ban hàng tháng với kinh phí là 30.000 đồng/người/tháng…
Các trang thiết bị y tế được cung cấp phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân
Chính vì vậy, Thừa Đức luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra hàng năm. Cụ thể, vận động thực hiện biện pháp tránh thai tăng đều qua các năm, cụ thể, năm 2009 là 515/507 trường hợp, đạt 101% kế hoạch (KH); năm 2010, 500/467, đạt 107% KH; năm 2011, 561/522, đạt 107%, trong đó, biện pháp đặt vòng, đoạn sản, thuốc tiêm, thuốc cấy luôn vượt và đạt chỉ tiêu. Tính đến tháng 7/2012, đã có 522/528 trường hợp thực hiện biện pháp tránh thai, đạt 98,86%, trong đó, đặt vòng là 160/170 ca, đạt 94,12%, triệt sản là 1 ca.
Với thành tích trên, Thừa Đức đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, huyện với thành tích “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác DS – KHHGĐ giai đoạn 2001 – 2010, “Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác DS – KHHGĐ năm 2011”…
Hướng đi thời gian tới
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, 6 tháng cuối năm 2012, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông cao điểm, triển khai mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, mô hình truyền thông tư vấn và cung cấp dịch vụ cho lao động đi biển dài ngày; Hoạt dộng truyền thông chăm sóc bà mẹ mang thai; Truyền thông chăm sóc bà mẹ có nguy cơ cao; Tập trung triển khai đợt khám chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt II/2012. Đồng thời, tập trung cho công tác kiểm soát mức sinh, duy trì mức sinh thấp hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, thực hiện tốt các mô hình triển khai trong năm 2012, chú ý nâng cao chất lượng giống nòi, góp phần đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực.
Bà Võ Thị Mai, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện đề nghị Ban DS – KHHGĐ các xã, thị trấn cần xây dựng kế hoạch cụ thể sát với thực tế từng địa phương, cân đối kinh phí được chi, phân bổ đều cho các hoạt động, tập trung cho việc tuyên truyền chuyển đổi hành vi, chú ý đối tượng trong diện quản lý nhằm thực hiện đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm.
>>Ông Võ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại chia sẻ: Ban Chỉ đạo dân số huyện, xã cần tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác DS – KHHGĐ. Tăng cường các hoạt động truyền thông với nội dung và hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. |