Tìm phương án gỡ khó cho doanh nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Sự sụt giảm từ 20 – 50% đơn hàng do bị hủy, lùi thời hạn hoặc thiếu nguyên liệu đã đẩy các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vào thế khó. Nếu COVID-19 không sớm được ngăn chặn, hoạt động của doanh nghiệp sẽ vô cùng nan giải.

Chủ lực gặp khó

Do tác động của COVID-19, xuất khẩu hai nhóm hàng chủ lực là tôm và cá tra gặp nhiều bất lợi. Ghi nhận của VASEP, trong top 10 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất Việt Nam tháng 1/2020, chỉ có Mỹ và Papua New Guinea tăng so cùng kỳ năm 2019. Các thị trường đều giảm mạnh, trong đó Trung Quốc giảm sâu nhất tới 43,48%, tiếp đó là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, giảm lần lượt là 31,53%; 26,34%; 28,16%. Khoảng 20 – 50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được. Lý do hoãn hủy hợp đồng là sức mua của các thị trường giảm mạnh, dù các nhà nhập khẩu đã giảm giá từ 25 – 30% đối với mặt hàng thủy sản nhập khẩu, nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn. Mặt khác, đối với thị trường Nhật Bản, việc thông báo hoãn tổ chức Olympic 2020 sẽ ảnh hưởng nhiều tới các hợp đồng xuất khẩu tôm vào nước này trong đó có Việt Nam.

Cá tra là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam   Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Với cá tra, do Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35%, nên khi dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp Việt với trị giá giảm 44% trong 2 tháng đầu năm trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 210 triệu USD. Ngoài ra, cá tra xuất sang Mỹ cũng giảm 27%, sang EU giảm 40%, các nước ASEAN giảm 19%. Giá cá tra thịt trắng (loại 0,7 – 0,9 kg/con) giảm 500 đồng/kg so cuối tháng 1 xuống 18.000 – 18.500 đồng/kg; với mức giá này người nuôi lỗ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, tháng 1/2020, gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu cá tra mới bị gián đoạn hoặc ngưng trệ sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ tháng 3, khu vực ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang châu Âu khi tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch, nhà hàng và khách sạn đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát. Đơn hàng mới chưa được ký lại, hàng tồn kho lớn.

 

Doanh nghiệp thiếu vốn

Thông tin cho thấy, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 8 chi nhánh ngân hàng cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu, với tổng dư nợ hơn 3.100 tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ cho vay của các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khoảng 377 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thủy sản tại Bạc Liêu cũng cho biết lượng hàng xuất khẩu giảm gần 90%, trong khi doanh nghiệp phải thu mua nguyên liệu để phục vụ cho chế biến và giữ chân người lao động, chi phí dự trữ hàng trong kho đông hóa chờ xuất bán tăng cao… khiến cho các doanh nghiệp gian nan. Đó là đối với doanh nghiệp đã xây dựng được kho đông lạnh, còn những doanh nghiệp phải thuê kho dự trữ hàng chờ xuất thì chi phí phát sinh sẽ là con số hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng nếu như hàng còn bị “ách” lại. Tình trạng càng khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, như chia sẻ của một doanh nghiệp thủy sản ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, nếu như trước đây công ty cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 10 tấn tôm đông lạnh/ngày, thì hiện nay chưa được 1 tấn/ngày; sản xuất không có lãi, chi phí phát sinh quá nhiều nên doanh nghiệp đã cho gần 400 công nhân tạm nghỉ việc.

Các doanh nghiệp thủy sản đang đứng trước bài toán vừa không xuất khẩu được, vừa phải thu mua nguyên liệu đánh bắt và nuôi trồng cho người dân để đảm bảo ổn định xã hội và tích trữ hàng hóa chuẩn bị cho xuất khẩu những tháng tiếp theo. Do đó, kiến nghị hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì việc sản xuất.

 

Thay đổi cách tiếp cận

Nhập khẩu vào châu Âu và Mỹ dự kiến sẽ dần được khắc phục, vì nhu cầu an toàn lương thực thực phẩm của các quốc gia vẫn đòi hỏi một nguồn cung ứng thực phẩm đáng kể. Còn với thị trường Trung Quốc, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động thông thương đã dần khôi phục trở lại, nhưng tốc độ chậm, do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Ghi nhận trong 3 tháng đầu năm, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đã thông quan xuất khẩu 165 container thủy, hải sản tươi sống, tương đương 1.586 tấn. Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn kỳ vọng có sự tăng trưởng khi nhiều FTA đi vào thực thi thời gian tới, trong đó nổi bật là EVFTA.

Theo VASEP, hiện nay, nhu cầu hải sản có xu hướng giảm ở thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, chỉ châu Âu có nhu cầu nhiều về phân khúc đồ hộp. Một số doanh nghiệp đang được khuyến khích chuyển hướng sang sản xuất đồ hộp. Có thể nói, việc tiêu thụ sản phẩm đóng hộp sẽ phù hợp cho các thị trường bị dịch bệnh, do đồ hộp có thể giúp việc tích trữ thực phẩm dễ dàng, việc chế biến sử dụng cũng đơn giản; ngoài ra, thủ tục để xuất nhập khẩu cũng thuận tiện trong bối cảnh các nước siết chặt hoạt động hải quan. Thông tin từ các nước cũng cho thấy thì ngoài rau xanh, đồ hộp là mặt hàng khan hiếm nhất tại các siêu thị châu Âu và Mỹ trong mùa dịch COVID-19; các sản phẩm giá trị gia tăng cũng sẽ được tiêu thụ nhiều đột biến.

Còn đối với sản xuất trong nước, đánh giá của các chuyên gia thì mùa vụ tôm 2020 mới bắt đầu, nên khó khăn chỉ là tạm thời. Đến thời điểm thu hoạch tôm thì các nước đã sử dụng rất nhiều hàng hóa dự trữ, thậm chí cạn kiệt thực phẩm, do đó nhu cầu nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng cao. Như chia sẻ của đại diện Tập đoàn Việt – Úc, do nguồn tôm nguyên liệu sẽ rất khan hiếm nên Việt Nam có thể khôi phục, mở rộng thị trường thậm chí có được giá bán tôm tốt trong năm 2020. Song vấn đề làm sao duy trì và phát triển vùng nuôi ổn định trong bối cảnh ngập mặn, hạn hán và dịch bệnh; các tỉnh, thành và doanh nghiệp cần chung tay để giữ vững các vùng nuôi.

 

>> Trước nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm, một số tập đoàn thủy sản lớn như Việt – Úc, Thăng Long… cho biết đang giúp đỡ người dân bằng việc hỗ trợ người dân nuôi tôm, trước mắt là hỗ trợ về giống trong vụ thả tôm mới trong thời điểm hiện nay, đồng thời tìm kiếm thị trường đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!