Nuôi tôm trên cát ở nước ta đã và đang trải qua nhiều thăng trầm; nhiều mô hình thành công xen lẫn thất bại. Những mô hình ấy là bài học quý đối với sự phát triển hiệu quả và bền vững ngành thủy sản.
Có được có thua
Chỉ cần gõ từ khóa “tỷ phú nuôi tôm trên cát” trên công cụ tìm kiếm Google, đã có tới 199.000 kết quả chỉ trong 0,11 giây với đầy đủ tên tuổi những tỷ phú đã thành công như: Nguyễn Phước Thành, Nguyễn Cát (Thừa Thiên – Huế); Nguyễn Văn Can (Phú Yên)… thậm chí có những xã thành công và đổi đời từ nghề này. Xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế là một xã như vậy. Ông Nguyễn Văn Nuôi, Phó Chủ tịch xã cho biết, từ năm 2007 xã bắt đầu có mô hình nuôi tôm trên cát (NTTC), người dân đã chuyển từ đánh bắt, khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản; đến nay toàn xã có 91 ha quy hoạch NTTC, với 64 nhóm hộ nuôi tôm và 1 công ty. Nuôi tôm thẻ chân trắng đang là mô hình tốt, giúp đông đảo người dân nơi đây, từ chỗ chỉ đủ ăn nhờ NTTC đã trở nên khá giả. Tuy nhiên, để có thành công này, người dân phải tự bỏ vốn xây dựng cơ sở vật chất từ ban đầu, như: hệ thống giàn bơm nước biển… Trong quá trình sản xuất, các hộ nhóm thành lập những hộ tự quản để giúp đỡ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau…
Thu hoạch tôm trên cát tại Công ty TNHH Thủy sản Hưng Biển (Quảng Bình) – Ảnh: Trần Huy
Ông Nguyễn Cát, một tỷ phú NTTC ở Phong Hải cho biết, gia đình ông với 3 ao nuôi, diện tích 1 ha, trừ chi phí mỗi năm thu lãi 500 triệu đồng trở nên từ NTTC.
Bên cạnh đó, có những dự án NTTC được đầu tư tới hàng chục triệu USD ở nhiều địa phương bị thất bại, bỏ hoang. Điển hình trong số đó là dự án của Công ty Nuôi trồng thủy sản Việt Mỹ tại Hà Tĩnh, đã thất bại sau 2 năm triển khai. Sau đó, một phần trong diện tích dự án này được người dân thuê lại đầu tư và đã làm giàu từ đây, có người trở thành tỷ phú; điển hình là bà Nguyễn Thị Hạnh với 20 ha thuê lại NTTC đạt năng suất 14 tấn/ha, mỗi năm lãi hàng tỷ đồng.
Tìm mô hình chuẩn
Ông Nguyễn Cát, một tỷ phú nuôi tôm tại thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Để NTTC, phải đầu tư bài bản ngay từ đầu, làm ít nhưng phải đảm bảo chất lượng. Ví dụ, việc đầu tư giàn bơm lấy nước biển. Để có nước sạch, độ mặn phù hợp, trong quá trình nuôi phải đảm bảo lượng ôxy đầy đủ, vệ sinh hút đáy hồ định kỳ, đảm bảo môi trường cho tôm phát triển, ít sử dụng thuốc và hóa chất… Đặc biệt, phải có hệ thống xử lý nước, chất thải sau mỗi vụ nuôi. Theo ông Cát, nhiều hộ nuôi tôm tuy có biết chủ động đầu tư ban đầu vào những việc đó nhưng không đi sâu học hỏi, đầu tư không đồng bộ, thậm chí làm ẩu, nên thường thất bại.
Với nhiều người nuôi tôm ở Hà Tĩnh, mô hình NTTC với diện tích gần 6 ha của ông Bùi Tùng Phong (xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân) như một mô hình “chuẩn”. Để có được thành công, ngoài việc đầu tư về ao hồ, như lót bạt đáy hoàn toàn, nguồn nước cấp vào ao nuôi được bơm ngầm từ biển cấp vào ao qua hệ thống ống chìm dưới đất. Ông Phong cho biết, đầu tư hệ thống bơm tuy tốn kém nhưng nước đảm bảo độ mặn (18 – 25‰) nên không phải dùng nước ngọt để giảm độ mặn, nước sạch không dịch bệnh. Quá trình nuôi phải đảm bảo đúng yêu cầu đã được cơ quan khuyến nông hướng dẫn; trong đó đặc biệt lưu ý các khâu chọn giống, bố trí thời vụ thả nuôi, xử lý môi trường nuôi hợp lý…
Ông Bùi Tùng Phong (Hà Tĩnh) đang giới thiệu mô hình nuôi tôm trên cát của mình
Nhiều doanh nghiệp đầu tư NTTC từng thất bại trong giai đoạn đầu, nhưng nhờ có cách quản lý tốt, tiếp cận và áp dụng kỹ thuật, quy trình sản xuất hiện đại, phù hợp nên đã thành công và ngày càng mở rộng sản xuất, mỗi năm có thể đưa ra thị trường hàng ngàn tấn tôm, đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
>> Ở nước ta hiện nay, nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm trên cát nói riêng vẫn chưa có quy trình kỹ thuật hoàn chỉnh. Người nuôi tôm vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chắp vá, tự mày mò tìm hiểu, thực hiện, nên còn nhiều rủi ro; vì thế năng suất chưa xứng đáng với đầu tư. |