Bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt và kéo dài, nhiều vùng nuôi tôm chao đảo vì tôm bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Người nuôi ngắc ngoải khi thiệt hại về kinh tế gia tăng và ngậm ngùi tiếc khi không thể chờ được đến khi giá tôm bật lên.
Diện tích thiệt hại tăng mạnh
Tại tỉnh Hà Tĩnh, nhất là ở huyện Kỳ Anh, sau lứa tôm đầu vụ thiệt hại, người nuôi tôm khẩn trương cải tạo ao hồ và chuẩn bị con giống để tái vụ. Thế nhưng, do thời tiết bất lợi, trời âm u, mưa nhiều, nên nhiều bệnh trên tôm xuất hiện. Vậy nên, chỉ sau vài ngày phát hiện, tôm bắt đầu chết hàng loạt. Hiện đã có 130 ha với khoảng 12 triệu con tôm giống bị nhiễm bệnh và mất trắng. Số còn lại gần như phải thu hoạch sớm và bán tháo với giá thấp để vớt vát vốn.
Tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), vừa qua đã có nhiều hộ nuôi tôm thiệt hại vì tôm bị bệnh chết. Cụ thể, hộ ông Trần Hải có 3 hồ nuôi tôm, nhưng từ Tết đến nay đã thả giống đến lần thứ ba vẫn thất bại. Mới đây nhất, ông thả 150.000 con giống tôm thẻ chân trắng, nhưng chỉ khoảng 20 ngày sau tôm có dấu hiệu đỏ thân bất thường, sau đó chết hàng loạt. Thiệt hại riêng tiền con giống là 6 triệu đồng. Hộ ông Trần Nam thì vừa phải tiêu hủy 200.000 con giống mới thả nuôi được 1 tháng. Tôm cũng có dấu hiệu chết tương tự. Thiệt hại tiền giống là 18 triệu đồng, chưa kể thức ăn và thuốc.
Ảnh minh họa
Theo kết luận của Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, nguyên nhân là do tôm bị đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Như vậy, dịch bệnh này đã khiến cho 21 hồ tôm với diện tích gần 5 ha ở huyện Bình Sơn buộc phải tiêu hủy.
Tại Bình Định, từ đầu năm đến nay, diễn biến thời tiết không thuận lợi cho nghề nuôi tôm, nắng nóng đã khiến nhiều diện tích tôm nuôi bị chết do sốc môi trường. Theo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, hiện đã có 29 ha tôm nuôi vụ 1 trên địa bàn hai xã Phước Thắng (20 ha) và Phước Thuận (9 ha) bị chết do sốc môi trường.
Tại Bạc Liêu, tính đến nay đã gần 7.000 ha tôm nuôi thiệt hại nặng. Trong đó có gần 2.000 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên, chủ yếu tập trung ở huyện Phước Long.
Nguy cơ mất trắng tăng cao
Hiện nay, dự báo thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài và mưa lớn đột ngột nên môi trường nước rất dễ biến động. Theo quan sát, từ đầu năm đến nay, hầu hết diện tích tôm nuôi thiệt hại đều xuất phát từ nguyên nhân này. Thời tiết bất lợi khiến dịch bệnh dễ phát sinh, nhất là đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Tuy nhiên, cũng không loại trừ vấn đề chất lượng con giống.
Tại Quảng Ngãi, cùng với việc đề nghị ngành chức năng khuyến cáo người dân nuôi đúng lịch thời vụ, kịp thời xử lý ao nuôi và thủy sản bị bệnh, bổ sung nguồn hóa chất để xử lý dịch bệnh, UBND tỉnh còn yêu cầu lực lượng công an điều tra, ngăn chặn, bắt giữ những người vận chuyển giống thủy sản không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Còn theo đại diện Chi cục Thủy sản Bình Định, nguyên nhân tôm chết trên địa bàn chủ yếu là do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch quá lớn khiến tôm nuôi bị sốc. Cùng đó, do năm trước không có lũ nên các chất thải tại các vùng nuôi không được rửa trôi mà tích tụ lại, khiến mầm bệnh rất dễ phát sinh.
Theo quan sát, diện tích nuôi tôm thiệt hại chủ yếu là tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, không đầu tư. Tôm phải đối mặt trực tiếp với mọi biến động của thời tiết nên dễ nhiễm bệnh và chết. Còn với những vuông tôm nuôi ứng dụng công nghệ, tỷ lệ thiệt hại thấp, thậm chí, nhiều hộ vẫn có lợi nhuận.
Tại xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh), theo Chủ tịch UBND xã này thì mặc dù diện tích thả nuôi bị thiệt hại của xã lớn, chiếm gần 50%, thế nhưng, toàn xã vẫn có khoảng 97 hộ nuôi đạt lợi nhuận, trong đó 7 hộ nuôi tôm siêu thâm canh đạt lợi nhuận từ 100 – 500 triệu đồng.
Điều này chứng minh, nếu nuôi tốt, quản lý tốt, thì dù thời tiết có biến động, tôm vẫn mang lại lợi nhuận. Vậy nhưng, không phải hộ nuôi nào cũng làm được, bởi tâm lý của nhiều người, càng lỗ càng muốn gỡ nhanh. Chưa kể, thông tin trên báo chí hầu hết đều cho rằng, ngành tôm Việt Nam đang có nhiều cơ hội trong xuất khẩu, bởi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp hiện vẫn phải vật lộn với dịch bệnh do COVID-19, họ sẽ có độ trễ nhất định trong sản xuất; nguyên liệu ít sẽ đẩy giá lên cao. Điều này đã tạo tâm lý nóng vội cho người dân, mặc dù vẫn được ngành chức năng cảnh báo là thời tiết dù đã tốt lên nhưng chưa thực sự thuận lợi cho con tôm phát triển. Vậy nên, để có thể nắm được cơ hội, tránh tối đa thiệt hại, nên chăng người nuôi tôm cần phải bình tĩnh và sáng suốt trong quyết định.
Phan Thảo