Việt Nam có tiềm năng nuôi nhuyễn thể rất lớn, tuy nhiên, đến nay ngành hàng này vẫn không thể bứt phá. Nguyên nhân do chưa thể đáp ứng được nhu cầu con giống, nhất là giống có chất lượng. Việc chủ động công nghệ sản xuất giống nhuyễn thể đang vô cùng cần thiết.
Phát triển rộng khắp
Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng phát triển nuôi nhuyễn thể tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Kiên Giang là 206.350 ha; trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng có diện tích tiềm năng 43.650 ha, vùng ĐBSCL khoảng 113.800 ha; riêng khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 42.700 ha; khu vực các tỉnh ven biển Đông Nam bộ khoảng 6.200 ha, trong đó tập trung ở khu vực Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) và vùng ven biển huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).
Nghề nuôi nhuyễn thể ở nước ta gần đây đã có sự phát triển đáng kể. Đến nay, Việt Nam có hơn 40.000 ha nuôi nhuyễn thể với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm; ước tính 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng nhuyễn thể đạt 150.000 tấn. Tuy nhiên, so với tổng diện tích tiềm năng là 206.350 ha thì chưa thực sự tương xứng.
Ngao giống. Ảnh minh họa
Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ quan điểm phát triển ngành nhuyễn thể, đó là: Phát triển nuôi nhuyễn theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích và trở thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, đảm bảo cho sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam chiếm lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị trường, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời chú trọng phát triển thị trường nội địa, bao gồm thị trường xuất khẩu tại chỗ (du lịch) trên cơ sở quản lý chất lượng ATTP theo Luật An toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu và chỉ dẫn địa lý. Phát triển nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung tại các vùng ven biển, ven các đảo, eo vịnh, đầm phá có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái phù hợp với các đối tượng nuôi, chủ động được công nghệ sản xuất giống để tạo nên khối lượng hàng hóa lớn, giá trị cao. Tổ chức, quản lý sản xuất các vùng nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, dựa vào cộng đồng, trên cơ sở phát huy truyền thống “nghề cá nhân dân” lồng ghép trong phương thức đồng quản lý, đồng thời chủ động quản lý rủi ro, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh sản xuất giống
Theo Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì mục tiêu cụ thể đến năm 2020 về lĩnh vực con giống là: chủ động cung cấp trên 70% tổng nhu cầu giống đảm bảo chất lượng nuôi thương phẩm. Định hướng đến năm 2030: Hoàn thiện hệ thống sản xuất giống gắn với các vùng nuôi nhuyễn thể trọng điểm, tập trung để chủ động cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, số lượng cho nuôi thương phẩm. Khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn các giống loài nhuyễn thể tự nhiên, đồng thời tổ chức quản lý khai thác sử dụng hiệu quả. Chủ động cung cấp 100% tổng nhu cầu giống đảm bảo chất lượng cho nuôi thương phẩm.
Thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Nam Định… đã có số lượng lớn các đơn vị, doanh nghiệp, hộ nuôi phát triển sản xuất giống nhuyễn thể như ngao, hàu, tu hài… đánh dấu bước khởi sắc cho nghề sản xuất giống nhuyễn thể. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công trên, việc sản xuất giống nhuyễn thể của các địa phương trên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc nuôi thủy sản nói chung và việc sản xuất giống thủy sản nói riêng, trong đó có sản xuất giống nhuyễn thể. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ sản xuất giống nhuyễn thể hiện khá cao nên nhiều người đã tự phát chuyển sang sản xuất giống, không theo quy định. Nhiều địa phương chưa quy hoạch cụ thể các trại sản xuất giống phù hợp với điều kiện phát triển. Một bộ phận người dân sản xuất, kinh doanh giống nhuyễn thể chạy theo lợi nhuận trước mắt, không chú trọng đến chất lượng con giống hoặc kinh doanh giống có nguồn gốc không rõ ràng; không tuân thủ quy định, khuyến cáo kỹ thuật về mùa vụ, mật độ nuôi, diện tích nuôi…
Thiết nghĩ, để nghề nuôi nhuyễn thể phát triển mạnh, vững chắc hơn, cần quan tâm hơn đến việc quy hoạch chi tiết cho vùng sản xuất tập trung đối với từng loại thủy sản; Đầu tư thích đáng cho hạ tầng vùng nuôi, trong đó có việc đầu tư khu sản xuất giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; Quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu; Xúc tiến việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nuôi.
>> Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020 sản xuất và cung cấp giống nhuyễn thể đạt 60 tỷ giống các loại; đến năm 2030, số lượng giống nhuyễn thể đạt trên 80 tỷ con các loại. |
Phương Ngọc