Ngành thủy sản thế giới nên nắm bắt cơ hội, thay vì sợ hãi “người khổng lồ” toàn cầu hóa 3.0. Hai làn sóng trước của toàn cầu hóa đã định hình nền kinh tế thế giới; tới nay, chúng ta đang đứng trên ngọn sóng toàn cầu hóa thứ 3.
Từ Thế chiến thứ nhất đến cuộc Đại suy thoái năm 1930 và Thế chiến thứ hai, thế giới chứng kiến sự giao lưu nhộn nhịp trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, thực sự đây chỉ là đột phá từ giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất, giai đoạn 1815 – 1914 sang giai đoạn sau năm 1945. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, giai đoạn đầu này từ thế kỷ 19 đến cuối Thế chiến thứ Nhất là đợt sóng “toàn cầu hóa đầu tiên” trên thế giới. Các con tàu chở đầy container và máy vi tính đã mang lại kỷ nguyên toàn cầu hóa thứ 2 vào năm 1980 và kéo dài tới tận 2008 trước sức ép của các cuộc khủng hoảng tài chính.
Trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện với khả năng thay đổi mọi thứ. Trong ngành thủy sản, AI là chìa khóa giúp nông dân sản xuất tốt hơn. Hiện nay, dịch bệnh và quản lý thức ăn là 2 vấn đề quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản. Do đó, nếu nắm AI trong tay, nông dân không còn bị ám ảnh bởi 2 yếu tố này nữa. Để đảm bảo sức khỏe vật nuôi, nông dân có thể tạo ra các hình mẫu được học hỏi từ hàng nghìn hình ảnh về triệu chứng dịch bệnh cụ thể. Các hình mẫu này được sử dụng để phát hiện dịch bệnh trước khi nông dân nhận dạng được bằng mắt thường. Nhờ đó, họ sẽ sản xuất chủ động hơn, thay vì chỉ biết chờ thu hoạch khi đã quá muộn. AI sẽ là công cụ giúp ngành thủy sản toàn cầu phát huy hết mọi tiềm năng chưa được khai phá. Hãy tưởng tượng 20 năm sau, AI sẽ điều hành các hệ thống nuôi thủy sản hoạt động hiệu quả suốt 24/7.
Toàn cầu hóa 3.0 chứng kiến tốc độ gia tăng tự động hóa kéo theo sự đào thải nhiều nhân lực lao động dư thừa và cả những hộ sản xuất nhỏ lẻ yếu kém. Nhưng toàn cầu hóa 3.0 đang giúp cho chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu hiệu quả hơn. Ngành thủy sản Việt Nam cũng đón nhận sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia để nắm bắt cơ hội được chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, tăng doanh thu, việc làm, từng bước đưa đất nước trở thành trung tâm thủy sản mới của thế giới; nhưng ngành này cũng sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ làn sóng toàn cầu hóa thứ 3 trong bối cảnh nhiều vòng xoáy thương mại toàn cầu chưa đến hồi kết cùng sức ép cạnh tranh cao hơn.
Khi toàn cầu hóa kinh tế thị trường đã lan tỏa rộng khắp thế giới, các tập đoàn thủy sản lớn nước ngoài với chiến lược thâm nhập thị trường đang dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ để tận dụng ưu đãi thuế, nhân công, lao động… tại Việt Nam. Họ cũng có nhiều sự lựa chọn hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh qua chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một quốc gia nuôi thủy sản hàng đầu thế giới, nhưng thực tế thu nhập của nông dân Việt Nam chưa cao, trong khi giá thức ăn đắt đỏ hơn so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế cho thấy nhiều sản phẩm thủy sản Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.
Tham gia vào chuỗi giá trị thế giới đang ngày càng được chuyên môn hóa cao là một xu hướng tất yếu nhưng không dễ; đã đến lúc ngành thủy sản Việt Nam nói riêng và nông nghiệp nói chung cần một hướng đi chuyên môn hóa sâu hơn để người nông dân, nhất là các hộ nhỏ lẻ không bị loại ra khỏi cuộc chơi toàn cầu hóa.
Đại học Brown, Mỹ