Năm 2010, Thái Lan là nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Nhưng sau vài năm, hàng loạt dịch bệnh bùng phát và thảm họa thiên nhiên như lũ lụt đã tàn phá ngành tôm nước này, làm sản lượng sụt giảm tới hơn 50%. Mặc dù, EMS là đại dịch bệnh của ngành tôm toàn thế giới trong những năm 2012 – 2014, Thái Lan, cùng Malaysia và Trung Quốc vẫn thiệt hại nặng nề nhất; chỉ có Ấn Độ, Indonesia, và Ecuador thoát được thảm họa này.
Dù vậy, ngành tôm của Thái Lan đang trên đường phục hồi, nhưng cũng đang phải đối diện với một thị trường hoàn toàn khác với thời điểm trước khủng hoảng dịch bệnh EMS. Các phương thức kinh doanh cho Thái Lan trước đây cũng thay đổi nhanh chóng sau hơn 1 thập kỷ. Hiện, quốc gia này đang dần từng bước xây dựng lại và tái tạo, thay đổi diện mạo thương hiệu sản phẩm tôm hướng mục tiêu trở thành nước sản xuất tôm bền vững nhất thế giới. Thái Lan không ngừng đầu tư mạnh tay vào phát triển công nghệ nuôi tôm tiên tiến dựa vào cải tiến di truyền, tăng trưởng nhanh, ao nuôi sạch cùng hệ thống tái tuần hoàn nước sạch. Thái Lan một lần nữa lại trở thành nước sản xuất tôm hiệu quả kinh tế nhất, nhưng thị phần của tôm Thái tại Mỹ, Nhật Bản và EU lại nhỏ bé hơn so thời điểm trước đại dịch EMS. Bởi vậy, tôm Thái Lan càng nỗ lực lấy lại những thị phần đã mất trước đây.
Ngành tôm nuôi tại quốc gia này cũng đang được kiểm soát rất chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng của quy trình nuôi và chặn đứng mọi tác động lên môi trường hoặc mối nguy hại tới người tiêu dùng bằng 4 bước. Đầu tiên là quy hoạch vùng nuôi: Tất cả trang trại phải đăng ký giấy phép với Cục Thủy sản, cung cấp chứng nhận sở hữu đất để chứng minh trại không nằm trong vùng rừng ngập mặn hoặc vùng bảo tồn tài nguyên. Thứ hai, là kiểm soát quá trình nuôi bằng các chứng nhận GlobalGAP hoặc TAS (tiêu chuẩn nông nghiệp Thái Lan). Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích sử dụng hệ thống tái tuần hoàn và chế phẩm sinh học nhằm tiết kiệm nước, giảm chất thải; đồng thời cũng yêu cầu kiểm soát chặt chất thải, vi khuẩn, giảm sử dụng thuốc và các loại hóa chất trong nuôi tôm. Thứ ba là thử nghiệm và kiểm tra. Cục Thủy sản xây dựng nhiều cơ sở kiểm dịch tôm giống nhằm nâng cao chất lượng con giống cho người nuôi. Cuối cùng là Thực hành lao động tốt, tuân thủ luật lao động về các vấn đề như lao dộng trẻ em, lạm dụng lao động như nô lệ và lao động ép buộc.
Quyết liệt đẩy lùi dịch bệnh, nuôi theo phương pháp cải tiến, giảm thâm canh và chú trọng nhiều hơn tới chất lượng nước, di truyền, kiểm nghiệm, ngành tôm Thái Lan đang mở rộng xuất khẩu và tập trung vào mục tiêu cung cấp sản phẩm tôm chất lượng và giá trị cao. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là ngành công nghiệp thủy sản vẫn đang phải đối mặt với những lời chỉ trích môi trường. Ví dụ, mặc dù các cánh rừng ngập mặn hiện đã được bảo tồn trên toàn thế giới tại các vùng nuôi tôm chính, nhưng một số tổ chức môi trường vẫn không ngừng lên án ngành tôm làm ảnh hưởng đến rừng ngập mặn. Tuy nhiên, điều dễ thấy, ngành tôm Thái Lan đang dần dần khắc phục và đã thay đổi không ngừng suốt thời gian qua để giành lại cái nhìn thiện cảm từ phía người tiêu dùng và các tổ chức phi chính phủ về môi trường, lao động. Đã đến thời điểm chín muối để tôm Thái Lan giành lấy vị thế đã đánh mất trước đây.