Giá bột cá tăng cao, ngành tôm không ngừng mở rộng, protein thực vật trở thành giải pháp dinh dưỡng thay thế tiềm năng. Nhưng đến nay vẫn còn quá nhiều tranh cãi về tính bền vững của những thành phần thức ăn này.
Một lượng lớn bột cá được đưa vào thức ăn nuôi tôm dẫn đến sự phụ thuộc vào các nguồn cá nổi ngoài khơi – nguyên liệu chính để chế biến bột cá. Trước sức ép kinh tế, các loại protein thực vật được sử dụng rộng rãi để thay thế bột cá trong thức ăn nuôi tôm. Giá bột cá tăng cao, các hãng thức ăn cũng có xu hướng giảm tỷ lệ bột cá trong khẩu phần thức ăn công nghiệp và chuyển sang nguyên liệu thực vật như đạm đậu nành cô đặc, ngũ cốc và gluten lúa mì.
Thay thế bột cá bằng các thành phần thực vật cũng được cân nhắc như một giải pháp bền vững môi trường. Nhưng, thay thế bột cá bằng thành phần thực vật sẽ chuyển hướng nhu cầu sử dụng cá nổi ngoài khơi sang sử dụng nguồn lợi trên mặt đất, từ đó dẫn đến nguy cơ gia tăng áp lực lên các hệ thống sản xuất thực phẩm trên mặt đất, ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học, nguồn lợi và giá cả sản phẩm từ các loại cây trồng.
Thực tế, ngành nuôi và khai thác thủy sản phụ thuộc lẫn nhau, vì bột cá và dầu cá đang có trong rất nhiều loại thức ăn thủy sản. Thức ăn tôm sử dụng 31% (xấp xỉ 1 triệu tấn) bột cá. Trong khi đó, sản lượng bột cá toàn cầu khoảng 5 triệu tấn hàng năm và nguồn cung tương lai sẽ bị ảnh hưởng xấu khi nhu cầu tăng, khí hậu thay đổi.
Dù vậy, các hãng sản xuất thức ăn cho tôm đã giảm tỷ lệ bổ sung bột cá từ 19 – 40% vào năm 2000 xuống 11 – 23% vào năm 2014, trong khi tỷ lệ bổ sung dầu cá vẫn ổn định 0 – 2%. Trong tương lai, tỷ lệ bổ sung bột cá trong thức ăn tôm được kỳ vọng giảm thêm và ổn định ở mức 6% vào năm 2025. Tuy nhiên, tổng sản lượng tôm nuôi dự đoán tăng xấp xỉ 8,6 triệu tấn vào năm 2025. Do đó, dù có cắt giảm bột cá, thì ngành dinh dưỡng cho tôm vẫn phải tính đến kế sách lâu dài hơn là tìm kiếm được nguồn protein hoàn hảo để thay thế bột cá.
Động cơ để các hãng dinh dưỡng thay thế bột cá bằng protein thực vật đều xuất phát từ chi phí. Sản xuất các thành phần thức ăn thủy sản từ ngô, đậu tương, hạt cải và lúa mì cần diện tích đất xấp xỉ 10 triệu ha vào năm 2018. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện không còn đủ đất đai để mở rộng canh tác các loại cây trồng này vì thế giới đã sử dụng 91% tổng diện tích đất nông nghiệp (5,41 triệu ha) để trồng trọt. Ước tính, diện tích các cây trồng làm nguyên liệu thức ăn thủy sản chiếm 1/3 tổng diện tích đất nông nghiệp toàn cầu.
Phụ thuộc quá mức vào protein thực vật để làm nguyên liệu thức ăn thủy sản dẫn đến hàng loạt tác động xấu lên môi trường và trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Để tìm kiếm nguồn thay thế bột cá trong thức ăn tôm, ngành dinh dưỡng đã phải đề ra những chiến lược toàn cầu. Mặc dù chiến lược này đều hướng đến mục tiêu cắt giảm sự phụ thuộc vào bột cá và dầu cá, nhưng lại tạo ra áp lực lên những nguồn lợi trên mặt đất như nước ngọt, đất đai, phân bón. Nếu bổ sung hoàn toàn dầu cá bằng thành phần thực vật sẽ dẫn đến việc tăng cường sử dụng nước ngọt tới 63%, 81% đất và 83% phốt pho. Do đó, đến nay, ngành dinh dưỡng tôm vẫn đang vật lộn để tìm ra nguồn protein thay thế, không chỉ giới hạn ở protein thực vật, mà còn mở rộng ra các loại protein từ khí tự nhiên, protein đơn bào, côn trùng và tảo biển; hoặc tận dụng các phụ phế phẩm từ ngành chế biến thủy hải sản.
Giám đốc kỹ thuật, IFFO