Giá tôm xuất khẩu đã có tín hiệu khởi sắc

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại trong tháng 9, với mức tăng trung bình từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Thị trường xuất khẩu tôm cũng đã xuất hiện những tín hiệu khởi sắc.

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9 năm 2020 ước đạt 820 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2020 đạt 6,03 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019.
Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 8 tháng đầu năm 2020 đạt 1,02 tỷ USD, tăng 7%, Nhật Bản đạt 913,63 triệu USD, giảm 2,9%, EU đạt 661,25 triệu USD, giảm 17,35%, Trung Quốc 700,57 triệu USD, giảm 3,3% và Hàn Quốc đạt 491,44 triệu USD, giảm 2,6%.
Ảnh minh họa
Giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 9/2020 ước đạt 152 triệu USD, tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2020 đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2020 chủ yếu là từ Ấn Độ đạt 161 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2019, Nauy đạt 134,4 triệu USD, giảm 7,8% và Nhật Bản đạt 111,3 triệu USD, tăng 30,3%.
Tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 9 ổn định, dao động quanh mức 17.500 – 18.000 đ/kg đối với cá tra loại I (700 – 900 g/con). Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đang hy vọng sẽ có bước phục hồi sớm tại thị trường EU sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực.
Giá tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại trong tháng 9, thị trường xuất khẩu tôm cũng đã xuất hiện những tín hiệu khởi sắc. Tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giữ giá 190.000 đ/kg, cỡ 30 con/kg tăng 10.000 đ/kg lên 160.000 đ/kg, cỡ 40 con/kg tăng 10.000 đ/kg lên 140.000 đ/kg.
Giá tôm thẻ cỡ lớn cũng tăng 10.000 – 15.000, giúp cải thiện đáng kể mức lợi nhuận của người nuôi tôm. Tuy nhiên, tôm thẻ cỡ nhỏ 60 – 100 con/kg không tăng và hiện có giá khá thấp do sức tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh vì ảnh hưởng dịch Covid-19 và tình trạng thiên tai, bão lũ: cỡ 60 con/kg giảm 5.000 đ/kg xuống còn 95.000 đ/kg, cỡ 70 con/kg giảm 5.000 đ/kg còn 90.000 đ/kg, cỡ 100 con/kg giảm 10.000 – 12.000 đ/kg còn 70.000 – 72.000 đ/kg.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang EU tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2019. Điều đó phản ánh tác động tích cực của Hiệp định trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản được ưu đãi thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó thay đổi rõ rệt và tích cực nhất là tôm, mực, bạch tuộc.
So với các nước đối thủ cạnh tranh khác tại thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam đang có lợi thế khi hưởng thuế 0% như sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS03 đang chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam) so với Thái Lan đang bị áp mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ chịu thuế GSP 4,2% và Indonesia chịu thuế GSP 4,2%.
Sản phẩm cá ngừ Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tốt hơn sau lộ trình 3 – 7 năm thuế nhập khẩu được cắt giảm về 0%, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Thái Lan, đang bị áp thuế 18 – 24%. Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi thuế quan, ngành thủy sản cần có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định của thị trường EU.

Hạ An

Nguồn: Bizlive

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!