Vùng biển Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP HCM, đón các luồng phù sa từ sông Đồng Nai, Sài Gòn xưa như cái cái rốn cá, đập sào xuống nước cá nhảy lên bờ cũng đủ ăn. Nay nước thải đô thị, nước thải công nghiệp… biến vùng biển ấy thành vùng biển đói. Hơn một ngàn hộ dân trong xã vẫn hằng ngày dong thuyền ra biển bòn nhặt những con tôm, cua, cá ít ỏi.
Cái vựa tôm cá khổng lồ với những mỏ cá chết tên thành địa danh như: Búng Cá Hanh, búng Cá Hường, Cá Ngát, Cá Mép, vàm Cá Nhám… ngày nào đưa xã Thạnh An giàu nhất nhì huyện Cần Giờ, nay có đến 60% hộ dân thuộc diện đói nghèo. Cá hanh, cá hường xưa xúc được, nay tuyệt nọc, hàng chục giống cá quí khác như chìa vôi, sủ, vược, giang… năm thì mười họa mới bắt được…
Xưa một người đi biển nuôi 6 – 7 miệng ăn, nay tự nuôi mình cũng khó. Trên những con thuyền mong manh như lá tre, nhiều người phụ nữ chống lưng cùng chồng vượt qua bĩ cực. Những con thuyền ấy ngày chỉ chạy hết 2 lít dầu mà nhiều buổi tiền bán cá vẫn không đủ tiền dầu. Nhiều đứa trẻ ở Thạnh An phải nghỉ học để hàng ngày cùng bố mẹ ra khơi bòn biển.
Bữa mì ăn liền lót lòng lúc rạng đông chuẩn bị kéo lưới
Những con thuyền nhỏ như lá, mỗi buổi đánh bắt chỉ chừng 2 lít dầu nhưng không phải chuyến biển nào cũng đủ bù chi tiền dầu ít ỏi đó
Hai con ghẹ, một con cua, được 490 gam bán được 34 nghìn đồng là toàn bộ sản phẩm chuyến đánh bắt từ 3 giờ sáng đến 11 giờ trưa của hai bố con Trần Văn Mềm và Trần Văn Dẻo: Lỗ tiền dầu
Chị Trần Thị Ơn ấp Thạnh Bình, xã Thạnh An, 16 năm này chung gánh nặng cùng chồng đi biển nuôi 5 con
Ông Lê Văn Vui “Trước mần ăn đủ nuôi vợ nuôi con, giờ càng làm càng thêm nợ”