(TSVN) – Để tái tạo nguồn lợi thủy sản cá nước ngọt trên sông, sáng 31/10, Sở NN&PTNT An Giang phối hợp với Tổng cục Thủy sản, UBND huyện Phú Tân, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang và các ngành chức năng trong tỉnh tổ chức thả gần 19 tấn cá giống các loại và hơn 100.000 cá giống bản địa quý hiếm về với tự nhiên.
Các loại cá giống được thả là giống bản địa quý hiếm, loài đặc hữu ở khu vực sông Vàm Nao, sông Hậu như cá bông lau, cá hô, cá chày, cá cóc, cá vồ đém, chạch lấu… về với thiên nhiên. Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động nhằm bảo vệ, bảo tồn đa dạng thủy sinh vật. Đặc biệt, là các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế và xuất khẩu, bảo vệ cảnh quan môi trường và hệ sinh thái thủy sinh vật, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các thủy vực trên địa bàn tỉnh An Giang cũng như khu vực ĐBSCL. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; xác định vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo Sở NN&PTNT An Giang, từ năm 2012 – 2019, Sở đã phối hợp thường xuyên với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức thả cá về thiên nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, khu vực thả cá là sông Tiền, sông Hậu và Búng Bình Thiên (huyện An Phú). Kết quả, đến nay đã thả hơn 118 tấn cá giống các loại như cá hô, cá ét, cá mè hôi, cá chép, basa, cá vồ ém, cá chạch lấu, cá chày, cá bông lau, cá điêu hồng… với số tiền quy đổi tương tương 5,8 tỷ đồng.
Với phương châm “Chung tay bảo tồn, gìn giữ, phát triển nguồn lợi thủy sản ngay bây giờ và thế hệ mai sau”, chương trình đã vận động 146 tổ chức và 323 cá nhân đóng góp thực hiện tái tạo nguồn lợi thủy sản với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Trong đó, Tổng cục Thủy sản hỗ trợ 16.000 con cá hô và bông lau, số lượng cá được thả đợt này là 18.730 kg và 100.550 con cá giống đặc sản các loại.
Một số hình ảnh tại buổi lễ: