Thừa Thiên – Huế: Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 4/3, Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế tổ chức lễ tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hương (TP. Huế), nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân và phát động trong trào tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2021, góp phần phục hồi hệ sinh thái và tái tạo nguồn lợi tự nhiên trên các vùng nước.

Tại buổi Lễ, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế và đại diện các ban, ngành đã thả hơn 41.000 con giống (cá lóc, cá trê, cá trắm, cá mè…) xuống sông Hương. Trong đó, ngân sách Nhà nước cấp 16.000 con; gần 25.000 con là xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, Giáo hội Phật giáo tỉnh…

Ngoài ra, trong năm nay, vào các Ngày quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Đại dương thế giới, Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế sẽ phối hợp với các đơn vị tiếp tục tổ chức tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng việc dự kiến thả hơn 570.000 con giống, gồm: Tôm, cua và cá kình vào đầm phá Tam Giang – Cầu Hai; thả hơn 3.000 con tôm sú trưởng thành ra biển nhằm bổ sung nguồn giống tôm sú bố mẹ.

Hàng năm, tỉnh luôn triển khai các hoạt động để bảo vệ nguồn lợi thủy sản như bảo vệ bãi giống, bãi đẻ và môi trường sống cho các thủy sinh… Trong đó, việc thả con giống xuống hệ thống sông, đầm phá là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực nhất để phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Cùng đó, tỉnh còn nhiều chính sách để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên trên các sông ngòi, đầm phá. Với diện tích mặt nước 22.000 ha, trải dài trên 68 km, tỉnh Thừa Thiên – Huế có hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai rộng lớn nhất Đông Nam Á. Đây là nơi cư ngụ của hơn 900 loài động thực vật, trong đó có 187 loài cá có giá trị. Nguồn lợi thủy sản dồi dào này là sinh kế, thu nhập cho một bộ phận không nhỏ cư dân đầm phá vốn chiếm đến 33% dân số toàn tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của một số loài.

Việc khai thác gắn với bảo vệ hệ sinh thái đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là mục tiêu lớn được tỉnh Thừa Thiên – Huế đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, tỉnh đã ra nhiều quyết định cho thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cụ thể, thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn Voi – Vũng Đèo có diện tích 557 ha mặt nước tự nhiên đầm phá thuộc địa giới hành chính xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc; Thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đá Dầm có diện tích 714 ha mặt nước tự nhiên đầm phá thuộc địa giới hành chính xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Ngoài ra, tỉnh còn cho thành lập các Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản An Xuân, Vũng Mệ (huyện Quảng Điền); Doi Mai Bống, Doi Chỏi, Vũng Điện (huyện Phú Vang).

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thừa Thiên – Huế, cho biết, việc khai thác gắn với bảo vệ hệ sinh thái đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là mục tiêu lớn được tỉnh Thừa Thiên – Huế đặc biệt quan tâm. Thực tế cho thấy, việc thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã mang lại hiệu quả thấy rõ. Không chỉ bảo vệ ngôi nhà chung cho thủy sản, mô hình còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đến nay, Thừa Thiên – Huế đã có hơn 30 khu bảo vệ thủy sản được thành lập.

Hải Đường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!