Sau ‘vết thương’ từ gói cứu trợ 9.000 tỷ, giá cá tra giảm liên tiếp làm người nuôi và DN dính đòn liên hoàn. Vốn và giá – hai gọng kìm đang siết chặt ngành cá tra trong khủng hoảng và đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Giá giảm liên hoàn
Sau khi chạm mốc 27.000-28.000 đồng/kg hồi đầu tháng 4, thời gian gần đây, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sụt giảm liên tục khiến người nuôi lo lắng. Hiện nay, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra nguyên liệu loại 1 và 2 tại một số tỉnh ĐBSCL giảm mạnh từ 200-500 đồng/kg; một số nơi thuộc tỉnh An Giang giảm mạnh hơn, từ 500-1.000 đồng/kg. Cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giờ chỉ 20.000 – 22.800 đồng/kg.
Lý do được VASEP đưa ra là từ đầu năm đến nay, giá thức ăn nuôi cá, nhất là đậu nành, ngô… đã bốn lần tăng giá khiến chi phí đầu vào tăng 15-20% so với trước đây. Người nuôi cá tra đang lỗ khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Ước tính, ở một số tỉnh có nuôi con cá này, khoảng 30-40% người nuôi đã phải treo ao.
Giá cá tra giảm mạnh không phải do lượng cá trong dân nhiều mà do doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn về vốn. Ông Đoàn Văn Trung (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang) vừa bán 300 tấn cá tra với giá 23.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi khoảng 25.500 đồng/kg. Tính ra, vụ này ông Trung bị lỗ không dưới 600 triệu đồng…
Theo ông Dương Ngọc Minh, Ủy ban Cá nước ngọt của VASEP, dù giá cá tra rẻ hơn giá thành nhưng doanh nghiệp không có tiền để mua. Hiện chỉ có 20% doanh nghiệp là tồn tại và phát triển được, 80% còn lại đang gặp khó khăn lớn vì phụ thuộc vào nguồn vốn eo hẹp của ngân hàng. Trong số này 30% trong tình trạng “hấp hối”.
Con cá tra hàng năm đem lại hàng tỷ USD cho các tỉnh ĐBSCL – Ảnh: Quốc Huy
Điều đáng lo ngại là hoạt động xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục khó khăn. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra tính đến ngày 15/9 đạt 1,21 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Còn thống kê từ Bộ NN-PTNT cho thấy, tháng 9, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 564 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm lên 4,5 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2011. Mỹ vẫn duy trì vị trí thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản (15,1%) và Hàn Quốc (7,9%).
Theo tính toán của các hộ nuôi trồng cá tra, với mức giá như hiện nay thì các hộ nuôi trồng chỉ hòa vốn chứ không có lời. Chẳng hạn, trước đây, 1 tấn cá tra có thể bị lỗ lên đến 300 – 400 triệu đồng, còn hiện tại con số này chỉ khoảng 50 – 100 triệu đồng. Như vậy, do đầu ra còn lỗ nên hầu hết các doanh nghiệp e dè khi mua hàng, nông dân thì cầm cự nuôi. Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp có khoảng 80 ha ao nuôi đang bị treo ao do không có vốn tái đầu tư sản xuất và khoảng 400 doanh nghiệp phá sản.
Dự báo từ nay đến cuối năm, sẽ còn nhiều doanh nghiệp phá sản do nhiều doanh nghiệp yếu kém chỉ vì lợi ích trước mắt. Song, việc doanh nghiệp rời bỏ thị trường sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí khiến ngành cá tra suy sụp. Người nuôi cá bị liên lụy từ chuyện này cũng không ít. Riêng gói hỗ trợ vẫn đang nằm trên giấy – nguy cơ khiến nhiều doanh nghiệp buông xuôi khi kiệt sức.
Mất kiên nhẫn với vốn vay
Ở thời điểm hiện tại thì người dân và doanh nghiệp dường như muốn tháo chạy khỏi ngành hơn là chờ đợi cơ hội vay vốn mới. Tại các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, các hộ nuôi trồng và doanh nghiệp cá tra vẫn chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ nói trên và mỗi tỉnh lại được hướng dẫn khác nhau.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, cho biết, đến tận ngày 18/9, Sở mới nhận được thông báo của Ngân hàng Nhà nước tại Cần Thơ, trong đó giới thiệu một số ngân hàng thương mại đang có chương trình hỗ trợ lãi cho hộ chăn nuôi và doanh nghiệp ngành cá tra.
Người nông dân tại TP. Cần Thơ bán cá cho doanh nghiệp – Ảnh: Quốc Huy
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang, cũng cho hay, thay vì nhận được văn bản hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng thì An Giang lại nhận được công văn 1149 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, các hộ nuôi trồng cá tra và doanh nghiệp đang kiệt sức vì đói vốn.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu An Giang, cho biết, ngay cả khi gói hỗ trợ tín dụng được triển khai thực hiện thì hộ nuôi cá nhỏ lẻ cũng đừng mong. Bởi trong thời gian dài chịu lỗ lã, hầu như tài sản của họ đã đem đi thế chấp hết. Trong khi đó, theo quy định thì người nuôi hay doanh nghiệp đều phải có tài sản đảm bảo thì ngân hàng mới có thể giải ngân vì sợ rủi ro. Cách tốt nhất là bà con nên nuôi loại cá khác đem bán ở chợ cho chắc ăn hơn. Chứ cứ đeo hoài theo cá tra, không sớm thì muộn sẽ bán hết tài sản mà trả nợ.
Tuy nhiên, khó khăn về vốn vẫn chưa dừng lại ở đó. Hiện chi phí cho 1 ha mặt nước nuôi cá tra tại ĐBSCL từ 7-8 tỷ đồng, thời gian nuôi mỗi vụ từ 7-8 tháng, dài hơn trước đây. Người nuôi cần vay vốn dài hạn trong khi đó ngân hàng chỉ cho vay vốn ngắn hạn với hạn mức vài trăm triệu đồng/ha, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Các doanh nghiệp chế biến cũng gặp khó khăn trong kinh doanh do lãi suất vay ngân hàng cao. Hiện lãi suất đã hạ nhưng người có nhu cầu không dễ vay được vốn với lãi suất thấp.
Ngoài ra, việc giải ngân vốn cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra còn gặp khó khăn do việc giãn nợ cũ, cơ cấu lại nợ cũ chỉ thực hiện được đối với những khoản nợ còn trong hạn. Đối với những doanh nghiệp, hộ dân đã phát sinh nợ xấu thì không đủ điều kiện để vay vốn. Hiện doanh số cho vay mới (trong phạm vi gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm) còn hạn chế vì các trang trại nuôi cá không còn tài sản bảo đảm nên không đủ điều kiện vay mới. Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cũng không đáp ứng được điều kiện vay mới vì đang còn nợ cũ hoặc không còn tài sản bảo đảm cho khoản vay mới.
Với những khủng hoảng trong nội bộ ngành – cuộc cạnh tranh xuống đáy “giảm giá để cạnh tranh với doanh nghiệp cùng ngành khác”, giá thức ăn và con giống tăng. Nếu không có biện pháp hóa giải những tác động tiêu cực này, biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ tiếp tục giảm là điều khó tránh khỏi. Sức chịu đựng của ngành cá tra sắp vượt ngưỡng thông qua dấu hiệu nhiều hộ kinh doanh treo ao, doanh nghiệp phá sản.
>> Con cá mang hàng tỷ đô về ĐBSCL Theo Bộ NN-PTNT, dự kiến năm 2012 ngành xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 6,5 tỷ USD. Trong đó, hai mặt hàng tôm sú và cá tra chiếm tỷ trọng cao trong cán cân xuất khẩu, đạt mức 2 tỷ/năm. Đây cũng là các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu hàng năm của các tỉnh ĐBSCL. Cụ thể, tính riêng tại hơn 10 tỉnh ĐBSCL, giá trị xuất khẩu thuỷ sản đã chiếm 65% sản lượng nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản cả nước. Cũng theo Bộ NN-PTNT, suốt thời qua việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho ngành nông nghiệp, trong đó có thủy sản lại rất khiếm tốn. Hiện nay mới chỉ có khoảng 70 dự án FDI với hơn 310 triệu USD vốn đăng ký tập trung vào ngành thủy sản. Hầu hết các dự án có quy mô nhỏ, nằm rải rác ở các địa phương và những đối tác đầu tư chủ yếu từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á. Hoạt động của các dự án còn manh mún, nhỏ lẻ và thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất trong ngành thủy sản. Quốc Huy |