THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

T3, 17/11/2020 10:32

Về Quảng Nam nghe câu hò bả trạo

Chưa có đánh giá về bài viết

Hát bả trạo (hay hò bả trạo) – một loại hình văn hoá phi vật thể phong phú về tư tưởng và nghệ thuật, do các thế hệ tiền nhân sáng tạo, được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng. Đây là một hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian gắn với tục thờ cúng cá Ông của ngư dân vùng biển duyên hải miền Trung gồm các yếu tố múa và hát với đạo cụ là mái chèo. Theo cách lý giải của những ngư miền biển thì bả tức là cầm chắc, còn trạo có nghĩa là mái chèo; bả trạo có nghĩa là cầm chắc mái chèo để giong buồm ra khơi…

Phần lễ nghinh Ông trên biển trong Lễ hội cầu ngư. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Ở Quảng Nam, hát bả trạo chỉ được diễn xướng, tái hiện trong Lễ hội cầu ngư (hay còn gọi là Lễ tế cá Ông, Lễ hội nghinh Ông…). Đây là một trong những lễ hội lớn của những ngư dân ven biển Quảng Nam, nó hàm chứa tất cả những niềm khát khao, mộc mạc, chân thành của những con người làm nghề sông nước đối với biển cả nói chung và với cá Ông nói riêng. Chủ thể văn hóa thực hành diễn xướng hát múa bả trạo trong các lễ hội cầu ngư là cộng đồng dân cư các xã, phường ven biển Quảng Nam.

Trong phần hội của Lễ hội cầu ngư, cuốn hút nhất là màn diễn xướng dân gian hát múa bả trạo trên cạn hết sức độc đáo. Trên sàn diễn dựng ngay tại bãi biển là mô hình một chiếc thuyền rồng được trang trí rực rỡ bởi cờ hội và cờ đuôi nheo. Màn múa hát bả trạo được được trình diễn và khởi xướng bởi 3 người được chọn lựa rất kỹ, đó là 3 ông Tổng: Tổng Mũi (còn gọi là Tổng Tiền), Tổng Khoang (còn gọi là Tổng Thương) và Tổng Lái (người chỉ huy con thuyền). Những người tham gia còn lại gọi là bạn chèo lập thành đội chèo.

Tùy từng địa phương, mỗi đội chèo thường có từ 12 đến 16 người, cũng có khi lên đến 18 hoặc tối đa là 20 người và đặc biệt là số người tham gia đội chèo bao giờ cũng là số chẵn để cho cân xứng và trình diễn dễ dàng hơn. Các bạn chèo đầu chít khăn đỏ, lưng thắt vải đỏ, tay cầm chèo được phết sơn đủ màu… Con thuyền biểu tượng trong hát bả trạo có chiều dài từ 3,5 đến 4 mét, được trang trí đầu rồng đuôi phụng, rực rỡ và không có đáy, được biểu trưng không chỉ là phương tiện để đi lại trên biển mà còn là biểu tượng của sự tế độ nhằm giúp đỡ đưa tâm thức con người vượt qua “bờ mê” để về “bến giác” theo cõi Phật; cũng là con thuyền chở đầy khát vọng, gửi gắm lời cầu mong đến các vị nhiên thần, nhân thần mang đến sự an lành no ấm, bình yên cho dân vạn chài.

Dẫn đầu đoàn chèo hát bả trạo trên chiếc thuyền rồng là Tổng Mũi, tiếp đến là Tổng Khoang và Tổng Lái sau cùng, còn bạn chèo thì sắp 2 hàng ngăn nắp phía sau Tổng Mũi. Sau khi hàng ngũ đã chỉnh tề, vị chủ xướng ra lệnh bắt đầu thì tiếng trống tiếng chiêng vang lên rộn rã báo hiệu cuộc diễn xướng bắt đầu. Lúc này, Tổng Mũi bắt đầu hô to: “Bớ bả trạo”, lập tức, các bạn chèo đồng thanh hô vang: “Dạ” và Tổng Mũi mở đầu phần hát bả trạo: “Hôm nay là ngày Lễ ông cuối vụ/ Con cháu ta tụ họp về đây/Chỉnh đốn xiêm y trang phục đủ đầy/Để tưởng niệm và tôn kính thần linh Nam Hải… đó nghe”. Hòa theo lời hát của Tổng Mũi, các Tổng Khoang và Tổng Lái nhún nhảy theo nhịp trống phách, làm điệu bộ cổ vũ cho các bạn chèo nhanh nhanh tay chèo cho thuyền vượt sóng. Các bạn chèo làm động tác khua mái chèo, lúc thì chồm về phía trước, lúc thì ngả người ra sau như thể họ đang cật lực, căng sức để đưa con thuyền tiến về phía trước. Tất cả mọi hành động diễn ra rất nhịp nhàng, sống động và đẹp mắt.

Nội dung và ý nghĩa của những cuộc diễn xướng, hát múa bả trạo ở Quảng Nam đều xoay quanh việc ca ngợi và bày tỏ niềm tiếc thương đối với cá Ông. Tất cả họ đều nghiêm trang, nhịp nhàng chèo chiếc thuyền linh thiêng, đưa cá Ông về miền cực lạc: “… Ơn ngài như biển rộng trời cao/Chúng con ghi tâm tạc dạ/Đời nào lãng quên!”

Diễn xướng hát múa bả trạo trong Lễ hội Văn hóa – Thể thao miền biển huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Ngoài nghi thức dân gian đối với cá Ông ra, hát bả trạo còn thể hiện những tâm tư, tình cảm mộc mạc, chân thành của những ngư dân vùng biển đối với thiên nhiên, đối với đại dương bao la mênh mông sóng nước, cũng như cầu mong cho trời yên, bể lặng, sóng nước hiền hòa, những chuyến ra khơi thật sự thanh bình, cá tôm đầy ắp. Thông qua màn diễn xướng múa hát bả trạo, những người dân sông nước thể hiện những tâm tư, tình cảm trước cảnh đẹp, sự trù phú của biển cả quê hương. Qua những câu hò, điệu hát trong diễn xướng, ta cũng có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc sống, yêu nghề của những ngư dân vùng biển dẫu cho mỗi chuyến ra khơi họ phải luôn đối đầu với bao gian khó, rủi ro như sóng to, gió lớn, bão tố…

Chính vì những yếu tố nhân văn, sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư và là một trong những nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu, thể hiện được bản sắc của cộng đồng, phản ánh được sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của con người cùng với sự kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài… mà nghệ thuật diễn xướng hát múa bả trạo của các cộng đồng dân cư miền biển Quảng Nam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 9-2013.

Lâm Đăng Khoa

Nguồn: Báo Biên Phòng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!