Tận dụng “mùa lũ đẹp”

Chưa có đánh giá về bài viết

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, lũ lớn gây thiệt hại ít nhiều cho người dân là điều không tránh khỏi; nhưng chương trình “Khai thác lợi thế mùa nước nổi” của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã mang lại nguồn lợi không nhỏ.

Nhiều mô hình tốt

Tại An Giang, theo báo cáo tổng kết 5 năm (tính tới năm 2010) của Sở NN&PTNT An Giang, có một số hoạt động kinh tế trong mùa nước nổi (MNN) mang lại hiệu quả. MNN 2010 có 34 mô hình phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Trong đó, trồng trọt có 5, nuôi trồng thủy sản: 10, tiểu thủ công nghiệp (TTCN), ngành nghề dịch vụ MNN: 19 mô hình; thu hút gần 118.000 hộ tham gia phát, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 370.000 lao động. Sản xuất trong MNN chiếm 24% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, năm 2010 tăng trên 5.422 tỉ đồng so với năm 2006; trong đó nông nghiệp hơn 5.150 tỉ đồng (tăng trên 2.170 tỉ đồng), thuỷ sản trên 1.774 tỉ đồng (tăng gần 658 tỉ đồng). Trồng trọt vụ 3 được thực hiện trên cả lúa, rau, hoa màu cùng nhiều loại cây khác. Trồng trọt vụ 3 đạt năng suất bình quân 6 tấn/ha, chiếm 61% giá trị sản xuất mùa MNN. Nuôi trồng thủy sản gồm: nuôi ao hầm, đăng quầng, nuôi cá chân ruộng, nuôi tôm, cá mùng vèo, nuôi lồng bè nhỏ, nuôi lươn, cá trong bể, nuôi ếch, ương giống thủy sản… Ngành nghề dịch vụ gồm: chở đất mướn, hái rau, bông điên điển, bắt ốc bươu vàng, thu gom lục bình, đánh bắt thuỷ sản tự nhiên… Tiểu thủ công nghiệp: chế biến khô, mắm cá; sản xuất chì, chài, lưỡi câu, dây keo, lợp, bó chổi; làm lò đất; sản xuất xuồng, dầm, chèo; thêu, đan móc, dệt lụa; sản xuất đệm bàng, nhang, bánh tráng, cốm dẹp, bong bóng cá…

Trồng ấu trong mùa nước lũ ở Đồng Tháp

Ở Đồng Tháp, ngoài 80.000 – 100.000 ha lúa vụ 3, có một số mô hình sản xuất trong MNN có hiệu quả tốt. Nuôi tôm càng xanh (đăng quầng, nuôi trong bờ bao ruộng lúa…), năm 2011 diện tích 1.275 ha, sản lượng 1.600 tấn, bình quân năng suất hơn 1,3 tấn/ha, lợi nhuận 30 triệu đồng/ha. Nuôi cá lóc trong mùng, bạt, năm 2011 hơn 3.000 chiếc, sản lượng gần 3.000 tấn, lợi nhuận bình quân trên 16 triệu đồng/vèo/100m2. Nuôi nhử và khai thác thủy sản tự nhiên sản lượng 14.000 tấn, chủ yếu cá linh, rô… Giá trị sản lượng khai thác nội đồng không cao nhưng ý nghĩa lớn, vì nó cung cấp một nguồn thực phẩm tại chỗ và giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Một số mô hình nuôi thủy đặc sản (ếch, lươn…) giá trị kinh tế khá – (Nuôi ếch, lợi nhuận bình quân khoảng 13 triệu đồng/vèo/100m2; nuôi lươn, lợi nhuận bình quân gần 14 triệu đồng/bể).

 

Còn bấp bênh

Nói như bà Phạm Thị Toán (Sở NN&PTNT Đồng Tháp), sản xuất trong MNN còn lệ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Có năm lũ về cao, có năm thấp; vì vậy người dân không chủ động định hướng được đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất. Mặt khác, hầu hết các mô hình sản xuất trong mùa lũ mang tính mùa vụ cao; khi lũ rút, sản phẩm thu hoạch đồng loạt nên giá bán bị giảm thấp và tiêu thụ khó khăn, do chưa hình thành kênh phân phối, mà phần lớn do tư thương tổ chức tiêu thụ. Sự liên kết tiêu thụ chỉ có ở tôm càng xanh và sen, còn các đối tượng khác, đa số người nuôi tự tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Thu hoạch cá trong mùa nước lũ ở An Giang

Về sự bấp bênh trong sản xuất mùa lũ, bà Toán cho rằng các công trình hạ tầng còn yếu kém nên người dân dễ gặp rủi ro, thua lỗ khi lũ lớn. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư chỉ chủ yếu phục vụ vùng nuôi tôm càng xanh, nhưng vẫn còn hạn chế. Đến nay, chưa có chính sách nào cụ thể cho các đối tượng nuôi thủy sản và trồng cây thủy sinh trong mùa lũ.

>> Nhiều người nói vui, ngoài lũ dữ, còn có “lũ đẹp”. Lũ đẹp (lũ không quá lớn cũng không quá nhỏ) có thể giúp người dân vùng nước làm ăn thuận lợi.

Lê Hoàng Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!