(TSVN) – Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tại Hội nghị “Tổng kết Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020” diễn ra sáng 12/12/2020.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 10 năm qua, công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương trên cả nước, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng ngư dân, huy động được nguồn lực xã hội tham gia. Cùng đó, huy động được sự vào cuộc, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia đối tác, các tổ chức phi chính phủ về điều tra nguồn lợi thủy sản ở biển, bảo tồn biển, bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, tổ chức lại sản xuất, thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Từ năm 2012 -2020, đã có hơn 400 triệu con giống thủy sản được các địa phương tổ chức thả về tự nhiên, trong đó có nhiều loài thủy sặc sản. Tuy nhiên, công tác này vẫn tồn tại nhiều thách thức với cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về vấn đề khu bảo tồn biển, đến nay, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển (gồm: Bạch Long Vĩ/Hải Phòng, Cồn Cỏ/Quảng Trị, Cù Lao Chàm/Quảng Nam, Lý Sơn/Quảng Ngãi, Vịnh Nha Trang (Hòn Mun)/Khánh Hòa, Hòn Cau/Bình Thuận; Phú Quốc/Kiên Giang, Cô Tô – Đảo Trần/Quảng Ninh; Vườn quốc gia Bái Tử Long/Quảng Ninh, Cát Bà/Hải Phòng, Núi Chúa/Ninh Thuận, Côn Đảo/Bà Rịa – Vũng Tàu). Còn 4 khu khác là Hòn Mê/Thanh Hóa, Nam Yết/Khánh Hòa, Phú Quý/Bình Thuận, Hải Vân – Sơn Chà/Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế đã xây dựng quy hoạch chi tiết, bàn giao cho UBND các tỉnh để phê duyệt nhưng đến nay sau hơn 5 năm, việc này vẫn chưa hoàn thành.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã có những chia sẻ về thuận lợi, khó khăn thách thức trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng cũng như trên biển và thực trạng hoạt động tại các khu bảo tồn biển.
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tính đến tháng 9/2020, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn là 213.400 ha, chưa đạt so với mục tiêu đến năm 2015 là 270.271 ha. Tỷ lệ diện tích vùng biển được bảo tồn đạt 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, cũng chưa đạt được mục tiêu 0,24% tại Quyết định số 742/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách bảo tồn biển rất mỏng, trừ Cù Lao Chàm, còn hầu hết các Ban quản lý khu bảo tồn biển, Vườn quốc gia trung bình chỉ có 4 – 7 biên chế nên thiếu nhân sự để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu chuyên sâu, quan trắc về chất lượng nước, đa dạng sinh học… Đồng thời, thiếu trang thiết bị để triển khai các hoạt động bảo tồn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật trong khu bảo tồn biển.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Để phát triển bền vững không còn cách nào khác phải thực hiện bảo tồn. Có bảo tồn mới duy trì được nguồn lợi. Những khu bảo tồn được thực hiện tốt như Cù Lao Chàm không chỉ mang lại giá trị sinh thái mà còn là giá trị loài, du dịch.
Cũng theo Thứ trưởng Tiến, thời gian tới cần giảm sản lượng khai thác từ 3,9 triệu tấn/năm như hiện nay xuống còn 2,8 triệu tấn/năm. Bởi với cường lực khai thác quá lớn như hiện tại thì rất khó khăn trong việc phục hồi nguồn lợi thủy sản. Ngành thủy sản phải cơ cấu lại ngành nghề khai thác; trong đó có quy định về hạn ngạch. Việc hạn chế hạn ngạch, đội tàu cùng một số nghề mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.