(TSVN) – Vẫn là khói nhưng kỳ lạ thay khói chiều Ba mươi Tết lại khiến cho tôi nhung nhớ một cách ngẩn ngơ, ngơ ngẩn đến bần thần. Bây giờ là giữa tháng Chạp, chỉ còn hai tuần nữa thôi là sẽ đến ngày Ba mươi Tết.
Tôi vẫn nhớ cái dáng mẹ khi xưa tất bật, ống thấp ống cao, chân nam đá chân chiêu vừa dọn đám cỏ dại đầu ngõ vừa chép miệng than rằng thời gian trôi nhanh như một cơn gió. Mới hôm nào còn ra Giêng mà bây giờ đã là tháng Chạp.
Là ngày Ba mươi Tết rồi đấy! Nhanh nhanh lên nào! Ôi, sợ không kịp mà đón Tết đi mất.
Mẹ sai thằng Út chạy vào bếp lấy hộp diêm, rồi chạy tới cây rơm rút lấy một nhúm rơm khô đặt dưới đống lá vụn để làm mồi lửa đốt rác. Nhìn kìa! Cái mặt thằng Út ra chiều thích thú lắm khi được mẹ sai việc. Nó chạy ù thật nhanh vào nhà rồi tót ra cây rơm, trên tay đã sẵn sàng một nhúm rơm khô cùng hộp diêm. Thằng Út bảo với mẹ để con quẹt diêm châm lửa, nhưng mẹ sợ nó vụng về, ngăn không cho làm, cái mặt nó buồn thiu, hậm hực trông buồn cười gì đâu. Mẹ nhanh tay châm lửa, ngọn lửa bén nhúm rơm khô bập bùng cháy rồi lan dần sang những chiếc lá khô. Ngọn lửa bốc lên mang làm khói trắng đục lờn vờn từng lọn kéo theo sau là những thứ mùi quyện lẫn. Mùi gì ấy nhỉ? Là mùi đám cỏ dại ngai ngái, mùi lá mít khô xào xạc âm ấm, mùi lá nhãn, mùi cỏ mần trầu, mùi cây chó đẻ, mùi đất nồng nồng… Tất cả quyện lẫn vào làn khói bay lên không trung, giữa chiều Ba mươi Tết nắng dịu dàng vàng chanh.
Thoảng nghe đâu đây bên tai là tiếng lợn kêu eng éc của nhà hàng xóm đang làm đụng lợn Tết. Cùng lúc, bố cũng đã kịp bắc nồi bánh chưng lên bếp giao nhiệm vụ cho tôi và thằng Út trông coi. Bếp lửa bố nhóm toàn là củi gộc nhãn khô, lửa cháy rất đượm. Hôm trước mẹ đi xát lúa cũng không quên mang một tải trấu về. Bố tỉ mẩn chất trấu xung quanh bếp. Có vỏ trấu bếp lửa càng đượm hơn, ngọn lửa bừng lên reo vui tí tách. Vỏ trấu un trong bếp tạo nên một mùi khói rất đặc biệt. Nó ngai ngái mà nồng nồng lại thêm chút khen khét của những hạt thóc lép đang còn sót lại. Thằng Út “phát minh” sáng kiến chạy ngay vào góc nhà nhón lấy mấy củ khoai cho vào đống than đang bừng bừng đỏ rực. Hai chị em thi nhau, canh chừng khơi than, trở khoai liên tục vì sợ cháy. Rồi cuối cùng cũng đến giây phút tuyệt vời đấy. Khoai chín, cả một màu vàng ươm hiện ra, mật ứa ra theo tiếng nuốt nước bọt của cả hai chị em. Phù! Ăn khoai nướng vào trời lạnh rất tuyệt. Tôi đã rất nhiều lần ăn khoai nướng nhưng không hiểu sao ngồi ăn khoai nướng trong chiều Ba mươi Tết lại ngon một cách lạ lùng.
Gác lại chuyện nhà cửa, nồi bánh chưng đang sôi sùng sục cho mẹ, hai chị em lại chỉnh tề trang phục đi tảo mộ cùng với bố, đám anh chị em con nhà các bác, chú, các cô. Cho mãi sau này khi tôi lớn lên tôi đủ lớn khôn để hiểu ra rằng tảo mộ chiều Ba mươi Tết đó không hẳn là việc thực hiện nghĩa vụ của người con hiếu lễ với ông bà tổ tiên đã mất, mà còn ẩn sâu đó là cuộc hành hương tìm về ẩn ức mùa xuân năm cũ, để di dưỡng và thanh tẩy tâm hồn, để tiếp thêm nghị lực cho chặng đường phía trước. Những người con dù đi xa hay ở nhà, ngày cuối năm tự tay thắp một nén hương lên ngôi mộ đã được dọn dẹp sạch sẽ, trong bát ngát hương trầm tỏa bay, tưởng như từng sợi khói thơm kia có bóng dáng người xưa đang trở về. Chiều Ba mươi Tết thật thiêng liêng. Đứng giữa ông bà tổ tiên tôi như thấy tất cả giao thoa quyện chặt giữa hai cõi dương – âm, giữa hiện tại – quá khứ, cùng hướng đến tương lai…
Ngọn khói chiều Ba Mươi Tết mãi luôn là ngọn khói đặc biệt. Nó tỏa ấm không gian ngày cuối năm, làm tấm lòng những người con xa quê, tha phương chộn rộn mà réo rắt… Hôm nay đây tôi ở một nơi rất xa quê nhà. Tôi cũng như thằng Út hay tất cả những đứa con xa quê vẫn luôn nhớ những gì thân thuộc nhất ở quê nhà, vào chiều Ba mươi Tết thiêng liêng. Ôi, nhớ nôn nao sợi khói năm nào mẹ hun đám cỏ dại, lá khô, ngọn khói từ que nhang trầm dìu dặt… Trong vô thức của những ký ức năm cũ tôi cảm nhận được những sợi khói mang hơi ấm diệu kỳ, chầm chậm tỏa lan trong lòng mình nhẹ bẫng, bâng khuâng…
Tản văn của Đào Thanh Tùng