(TSVN) – Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ đã mang lại cơ hội cho ngành thủy sản. 2020 là năm chứng kiến sự đổ bộ của công nghệ số vào lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản, góp phần nâng cao sự bền vững cho toàn ngành. Dưới đây là một vài công nghệ số điển hình của ngành thủy sản thế giới trong năm qua.
Sản lượng thủy sản toàn cầu đạt mức kỷ lục 96,4 triệu tấn vào năm 2018; nhưng tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch lên tới 35%/năm. Trước con số thiệt hại không nhỏ này, Công ty SafetyNet Technologies tại Anh đã sử dụng công nghệ ánh sáng và âm thanh bảo vệ các loài thủy, hải sản và tăng tính bền vững cho đại dương.
Tại các vùng biển xung quanh Đông Bắc Atlantic, các nhà khoa học đã thử nghiệm công nghệ âm thanh và ánh sáng bảo vệ các loài cá đang nằm trong nguy cơ bị đe dọa, mục tiêu xa hơn là đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. SafetyNet Technologies trụ sở tại Anh đã phát triển ánh sáng đèn LED gắn vào lưới đánh cá. Đèn có thể đổi màu với nhiều cường độ ánh sáng khác nhau qua các phản ứng trước ánh sáng của một số loài mục tiêu. Qua ánh sáng, ngư dân cũng có thể lập trình để thu hút hoặc đẩy một số loài cá mà họ muốn, Aran Dasan, Phó Giám đốc công nghệ tại SafetyNet Technologies cho biết. Nhờ đó, ngư dân tiết kiệm thời gian và tránh khai thác những loài không mong muốn như rùa biển, cá heo và cá non.
Công ty SINTEF Ocean, qua dự án SmartFish H2020 đã phát minh các cảm biến thủy âm học cùng sonar – hệ thống định vị vật dưới nước bằng âm hoặc siêu âm và công nghệ máy học để theo dõi và nhận dạng các loài cá đang bơi dưới nước. Càng xuống sâu hơn dưới đại dương, độ phân giải của camera nước ngầm gắn vào lưới càng cao hơn. Công nghệ này giúp ngư dân nắm được tình trạng nguồn lợi trong một khu vực mà họ định khai thác. Ngoài SmarFish, SINTEF Ocean còn phát triển
công nghệ CatchScanner sử dụng thị giác máy để chụp ảnh 3D các loài cá và phân tích hình ảnh. Căn cứ vào đó, thủy thủ trên tàu có thể xác định chính xác từng loài cá và trọng lượng. Dữ liệu được thu gom bởi CatchScanner cũng có thể giúp ngăn chặn tàu biển đánh bắt quá hạn ngạch cho phép.
iFarm – hệ thống nuôi cá quy mô 150.000 con/lồng đã chính thức được đưa vào hoạt động thí điểm với lứa cá hồi đầu tiên trong năm 2020. Đây là mô hình do hãng BioSort phát triển cho Cermaq, sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để nhận dạng từng con cá trong lồng lưới, cho phép người nuôi can thiệp sớm vào các mục tiêu sức khỏe nếu cần và nhận báo cáo về sức khỏe từng cá thể vật nuôi.
Hệ thống iFarm đo trọng lượng, tốc độ tăng trưởng của từng con cá; đồng thời đếm số lượng ký sinh trùng rận biển trên toàn bộ cơ thể cá. Bất kỳ tổn thương hoặc dấu hiệu cá bị bệnh đều được lưu giữ lại để tổng hợp vào phần báo cáo theo dõi sức khỏe của cá. Mô hình này có thể phân loại cá để áp dụng biện pháp đặc trị theo nhu cầu của từng con cá mà không phải xử lý
hoặc phân loại bằng các phương pháp mạnh bạo gây stress cho cá.
Hệ thống lồng 150.000 con được hạ xuống mực nước thấp hơn so với lồng lưới truyền thống. Khi cá ngoi lên mặt nước, chúng sẽ được dẫn dắt qua một cổng, tại đó một máy cảm biến có thể nhanh chóng quét và ghi lại dữ liệu về từng con cá thông qua dữ liệu nhận diện dựa trên đặc điểm riêng biệt và kết cấu của chúng. Khi cá quen với môi trường mới, hãng sẽ lắp cảm biến. Hệ thống iFarm cho các lồng nuôi này vừa được bàn giao vào đầu mùa hè vừa qua cùng với các bộ phận của hệ thống đã được lắp đặt trên cạn tại Nordfold ở Steigen. Sau đó, các thiết bị lắp ráp trước được vận chuyển ra vùng biển thuộc Martnesvika – nơi sẽ hoàn tất các lắp đặt cuối cùng.
Qua iFarm, Cermaq đang nỗ lực phát triển công nghệ nâng cao sức khỏe cho cá, tăng cường phúc lợi động vật và sức cạnh tranh cho nghề nuôi biển một cách bền vững. Hướng tới số hóa ngành nuôi cá rô phi châu Phi aquaManager, một nền tảng phần mềm được thiết kế nhằm hỗ trợ vận hành các hệ thống NTTS đã được áp dụng tại trang trại nuôi cá rô phi của Công ty Yalelo tại Zambia và Uganda. Ứng dụng này giúp châu Phi tiến sát mục tiêu số hóa ngành nuôi cá rô phi.
Hai công ty Yalelo Zambia và Yalelo Uganda đều vận hành các cơ sở nuôi tăng trưởng và sản xuất con giống. Hai đơn vị này thuộc Tập đoàn FirstWave Group – hãng NTTS liên kết dọc lớn nhất châu Phi. Hệ thống mới được thiết kế nhằm tối ưu hóa sản xuất; đồng thời thúc đẩy cải thiện môi trường bền vững. Cả hai công ty có thể giám sát và quản lý hơn 100 lồng cá trong thời gian thực chỉ bằng ứng dụng aquaManager. Kostas Seferis, sáng lập aquaManager cho biết: “Ứng dụng thành công aquaManager tại tập đoàn này là bước đi quan trọng theo hướng số hóa của ngành NTTS châu Phi. Dự án đòi hỏi khắt khe bao gồm chuyển dữ liệu từ nhiều hệ thống kế thừa. Hệ thống tích hợp mới dựa vào các dữ liệu chủ được chia sẻ”. Từ bất cứ điểm nào, aquaManager đều cung cấp cho các trại nuôi thủy sản công cụ dữ liệu và hình ảnh mà họ cần để phục vụ sản xuất.
Dựa trên công nghệ đám mây, hệ thống aquaManager gửi các báo cáo về hoạt động của trại nuôi và báo cáo quản lý cần thiết để kiểm soát sản xuất hiệu quả. Hệ thống này sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu (BI) hỗ trợ chủ trại nuôi lên kế khoạch chi phí và hoạt động. Người sử dụng aquaManager cũng có thể giám sát các điểm dữ liệu như số lượng cá, sinh khối và lượng ăn.
Theo Bryan McCoy, đồng CEO của Tập đoàn First Wave: “Qua triển khai và ứng dụng aquaManager, chúng tôi đang điều hành các quy trình hoạt động quan trọng trong trại nuôi và theo dõi hình ảnh của 123 lồng cá tại 2 khu vực và mọi nhân viên đều có thể truy cập được dữ liệu này. Đảm bảo nguồn cung cá luôn ổn định và tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong vùng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và aquaManager chính là công cụ để cải thiện nguồn cung”.
Công nghệ SmartOysters do Ewan McAsh – một nông dân nuôi hàu tại Australia đã phát triển và ứng dụng, giúp trang trại giải quyết được các vấn đề thường gặp suốt quá trình nuôi hàu. Đến nay, không chỉ Ewan McAsh mà các trại nuôi khác cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ SmartOysters và thu được nhiều lợi ích lớn. “Trang trại của tôi có khoảng 30.000 giỏ nuôi hàu trong nước. Mỗi ngày, trang trại xử lý 600 – 1.000 con hàu. Số hàu này được thu gom hoặc bố trí lại ở 200 khu vực. Để nuôi hàu tốt, cần phải biết vị trí của chúng và thời gian quay lại để phân loại hoặc làm ráo hàu”, McAsh cho biết. Ứng dụng SmartOysters cung cấp các đánh giá tường tận và sâu sắc về trang trại dựa trên cơ sở dữ liệu cho người nuôi; đồng thời đơn giản hóa khối lượng công việc thường ngày. Với một trợ lý đắc lực như SmartOysters, McAsh không cần phải cần tăng cường lao động giám sát mọi hoạt động của trại nuôi.
Một lợi ích không ngờ tới của ứng dụng SmartOyster mà McAsh chưa từng nghĩ đến khi phát triển ra ứng dụng này đó chính là góp phần nâng cao sức khỏe tinh thần cho người sử dụng. Anh chia sẻ: “Trước khi sử dụng trợ thủ SmartOyster, nông dân nuôi hàu luôn rơi vào trạng thái căng thẳng và rối trí. Trước đây, tôi cũng từng như vậy bởi cách duy nhất để có thể theo dõi mọi thứ ở trang trại là phải nắm được những gì đã xảy ra và những gì sắp xảy ở trại nuôi. Chỉ nghĩ đến những điều này thôi cũng đủ khiến đầu óc tôi muốn rối tung. Nhưng nay, với SmartOysters, tôi không còn gặp phải những vấn đề này nữa”.
Hiện, bằng ứng dụng trên, nhiều nông dân Australia dù chỉ có vài năm kinh nghiệm nuôi thủy sản cũng có thể vận hành trang trại và kinh doanh hiệu quả mà không tốn nhiều sức lao động. Nhờ đó, các trại nuôi hàu dần mở rộng quy mô và nâng cao lợi nhuận.
Đan Linh
Tổng hợp