Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang chịu nhiều tác động xấu từ tai biến thiên nhiên và hoạt động của con người. Mở rộng phạm vi bảo tồn biển vào vùng bờ, tăng mật độ quan trắc chất lượng môi trường nước… là những hoạt động đang được Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm chú trọng thực hiện.
Nhiều nguy cơ
Thực hiện một phần quan trọng trong việc bảo vệ sự đa dạng của các loài sinh vật tại vùng biển Cù Lao Chàm, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã thực hiện nhiều đợt tiêu diệt sao biển gai. Tại các “điểm nóng” là vũng Ráng, vũng Đá Bao, Bãi Đâu Tai, Bãi Bắc hay vũng Thùng, các rạn san hô và nhiều loài thủy sinh, rong biển đã được phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, đối với sinh vật biển có thể sinh sống và phát tán trong mọi điều kiện như sao biển gai thì số lượng các đợt tiêu diệt trong thời gian qua là chưa đủ. Bởi vậy, hiện tại, không dưới 100ha rạn san hô sinh trưởng trong điều kiện xấu và rất xấu cần được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.
Vùng biển Cù Lao Chàm – Ảnh: Q.Việt
Việc thiết lập hệ thống phao ranh giới và neo đậu tàu thuyền tại vùng biển Cù Lao Chàm cũng được quản lý gắt gao hơn. Nguy cơ phao ranh giới và phao neo phá hủy hàng loạt san hô do bị sóng cuốn trôi trong mùa mưa bão cũng được đề phòng. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, một số khu vực rạn san hô vẫn có thể bị tàn phá nghiêm trọng do tác động của bão, lũ. Nước ngọt có hàm lượng trầm tích cao từ các sông Thu Bồn, sông Hàn cũng là nguy cơ đe dọa sự phát triển của nhiều loài rong biển và các sinh vật khác. Một số nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng như Bãi Bắc, Bãi Hương, rạn san hô chết đã khiến rong biển bám vào, phát triển gây nhiều bất lợi cho quá trình định cư của các ấu trùng san hô.
Thực hiện hai mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và góp phần phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã đồng hành với người dân xã đảo Tân Hiệp thực hiện nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực đánh giá, bảo vệ tài nguyên biển và hỗ trợ sinh kế cho ngư dân. Trước đây, khi Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm chưa được thành lập, người dân địa phương chỉ dựa vào nguồn lợi thủy sản ven bờ, còn nay, người dân đã biết thực hiện nhiều dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, bên cạnh những thành quả thu được, các hoạt động du lịch đã tác động xấu đến môi trường vùng ven bờ. Theo ThS. Đinh Phùng Bảo, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, nguy cơ ô nhiễm môi trường biển Cù Lao Chàm đang ngày càng tăng do tác động xấu từ hoạt động du lịch, sự gia tăng của rác thải ven biển, do ô nhiễm dầu khí và các hoạt động kinh tế khác từ đất liền. “Điều này đã dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi, tính đa dạng sinh học tại vùng biển Cù Lao Chàm, làm tăng khả năng biến động bờ biển… Ngoài ra, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng dự trữ tài nguyên thiên nhiên vùng bờ, đến sự ổn định, bền vững cho khu dự trữ sinh quyển thế giới trong mai sau” – ThS. Đinh Phùng Bảo nói.
Tăng khả năng bảo vệ
Theo Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trước những tác động của tai biến thiên nhiên trong những năm qua và sự ảnh hưởng của các hoạt động từ đất liền thông qua nguồn nước lũ phát tán từ sông Thu Bồn, tài nguyên đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã và đang bị đe dọa. “Việc quản lý tài nguyên tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm gặp nhiều khó khăn do tác động bất lợi từ bên ngoài. Đó là các hoạt động từ đất liền và các khu vực lân cận. Vì vậy, vấn đề quan trọng trong quản lý hiện nay là đòi hỏi phải được nhìn nhận và tiếp cận theo quan điểm tổng hợp vùng bờ một cách tổng quát nhất. Với sự gia tăng tần suất và phạm vi ảnh hưởng của tác động từ sông đến vùng biển Cù Lao Chàm, việc tăng cường quan trắc chất lượng nước tại vùng biển Cù Lao Chàm để theo dõi diễn biến, cảnh báo các tác động hiện hữu và tiềm tàng đối với đa dạng sinh học là điều rất cần thiết” – bà Thúy nói.
Thời gian qua, để bảo vệ đa dạng sinh học tại vùng biển Cù Lao Chàm, chương trình quan trắc, giám sát môi trường chất lượng nước biển ven bờ Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được thực hiện bởi sự phối hợp của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ. Chương trình giám sát đã giúp Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm có thể biết được hiện trạng môi trường tại khu vực nhằm có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, ngăn chặn ô nhiễm môi trường, đồng thời theo dõi và quản lý các nguồn thải phát sinh. ThS. Đinh Phùng Bảo cho rằng, trong thời gian đến, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cần nâng cao khả năng kiểm tra, giám sát chất lượng nước biển và vệ sinh môi trường tại các khu vực nhạy cảm là Bãi Làng, Bãi Ông, Bãi Hương – những nơi tập trung khá đông dân cư sinh sống nhằm bảo vệ nguồn nước biển ven bờ. Ngoài ra, ThS. Đinh Phùng Bảo cũng khuyến cáo, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm nên tăng tần suất quan trắc, giám sát môi trường biển từ 2 lần/năm lên 4 lần/năm và cần tăng thêm chỉ tiêu giám sát chất lượng nước biển đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh.
Ông Phạm Thành Hồng Lĩnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, thời gian tới, việc phục hồi san hô cần được tiến hành song song với việc phục hồi các đối tượng thủy sinh khác cùng sinh sống chung một môi trường. “Việc di dời quần thể san hô và các đối tượng sinh vật sống chung ra bên ngoài vùng bảo vệ nghiêm ngặt là điều rất cần thiết. Điều này sẽ làm tăng thêm số lượng và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi. Việc lựa chọn các giống loài san hô có khả năng chịu đục và đặc biệt là chống chọi được với các tác động bất lợi là điều rất quan trọng để bảo vệ đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm” – ông Lĩnh nói.
>> “Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới, do đó việc quan trắc, nghiên cứu chất lượng nước cần được mở rộng phạm vi ra các khu vực xung quanh. Việc bảo tồn khu sinh quyển hay Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy từ sông Thu Bồn ra biển, do đó cần thiết bố trí các điểm đo giám sát chất lượng nước từ hạ lưu sông Thu Bồn”. (Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm) |